Chuyện người "gieo chữ" ở Hang Kia - Hòa Bình
VOV.VN - Với lòng yêu nghề, cô giáo Hà Thị Hằng đã gieo cái chữ làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, ở Hang Kia, tỉnh Hòa Bình.
Hang Kia - tỉnh Hòa Bình là một xã đặc biệt khó khăn, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trở thành bài toán hết sức nan giải. Thế nhưng với tâm huyết, lòng yêu nghề, cô giáo Hà Thị Hằng đã nhận sự điều động của Phòng Giáo dục huyện Mai Châu đến với Hang Kia để gieo cái chữ làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Cô giáo Hà Thị Hằng đến các hộ gia đình vận động người dân đến lớp xóa mù chữ (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN). |
Mất hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển từ trung tâm xã Hang Kia lên tới bản Thung Ẳng, nơi cô giáo Hà Thị Hằng tiếp nhận công tác tại Trường TH&THCS Hang Kia B.
Mời chúng tôi chén nước chè Shan Tuyết của thung lũng Hang Kia, cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B tâm sự, để khắc phục triệt để tình trạng học sinh bỏ học nơi dẻo cao này, điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân, muốn trẻ đi học thì trước hết những người cha, người mẹ phải biết chữ, nói được tiếng phổ thông, như thế mới có thể tuyên truyền, vận động con cái mình đi học.
Qua tìm hiểu, được biết, tình trạng học sinh nơi đây bỏ học rất nhiều, bậc Tiểu học tỷ lệ bỏ học gần 40%, Trung học cơ sở lên đến 66%. Tỷ lệ người dân xã Hang Kia không biết nói tiếng phổ thông chiếm gần 60%, phần lớn là phụ nữ, tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm 58,35% dân số, có nhiều trường hợp cha, mẹ không nhớ nổi tên con, không biết chữ chỉ biết điểm chỉ, áp dụng khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất và đời sống gần như không thực hiện được. Vì vậy, dẫn đến tình trạng đói nghèo, lối sống cổ hủ, lạc hậu dai dẳng và vi phạm pháp luật phổ biến.
Cô giáo Hà Thị Hằng trăn trở: “Mới đến đây cái gì cũng thiếu thốn nên tôi đã tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con ở đây rất thiệt thòi không biết chữ vì xa thành phố. Với trách nhiệm của mình, tôi quyết tâm để bà con có cái chữ”.
Cô giáo Phạm Thị Thơm, giáo viên Trường TH&THCS Hang Kia B cho biết thêm, việc vận động học sinh đến lớp, con đường nào cũng vất vả, ở mỗi con đường đều có những câu chuyện riêng của người thầy, người cô. Mặc dù, vất vả như vậy thầy cô nơi đây luôn cố gắng hết sức để vận động và đưa các em đến lớp đầy đủ.
Cô giáo Hà Thị Hằng đứng lớp dạy các học viên nữ (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN) |
Để việc tuyên truyền, vận động cho đồng bào Mông nơi đây hiểu được ý nghĩa của việc học chữ phổ thông, cô giáo Hà Thị Hằng phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất và trực tiếp giúp đỡ được người dân như: Khi có dịch bệnh xuất hiện, cô cùng các giáo viên khác đã trực tiếp mang thuốc trị bệnh đến từng hộ dân.
Khi người dân không biết đọc hướng dẫn cách sử dụng, các giáo viên đã giải thích và hướng dẫn người dân biết cách dùng thuốc cho người bệnh và cách phòng chống dịch bệnh. Từ đó, người dân mới dần nhận thức được là phải đến lớp học chữ để không bị thiệt thòi và tác hại của việc không biết chữ phổ thông.
Chị Giàng Y Phếnh ở bản Thung Ẳng, xã Hang Kia chia sẻ: “Nhà em bị ốm, không biết chữ nên ốm đau không biết nhìn gói thuốc sử dụng thế nào. Được sự vận động của cô Hằng, nhà em lên lớp.”
Từ đầu năm ngoái đến nay, cô giáo Hà Thị Hằng đã cùng với tập thể giáo viên vận động được hơn 100 học viên theo học các lớp bổ túc dành cho người lớn, gần 100 học viên bổ túc Trung học cơ sở; các học viên theo học lớp xóa mù rất tự giác và đạt hiệu quả cao và không còn tình trạng học sinh bỏ học. Với ý nghĩa thiết thực gắn với đời sống thực tiễn của người dân, thời gian tới ngành giáo dục huyện Mai Châu sẽ tiếp tục mở rộng mô hình tới các địa bàn khó khăn khác.
Ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mai Châu cho rằng: “Trước đây do tập tục của bà con người Mông chỉ cần học đến lớp 4,5; tham gia hủ tục bắt chồng bắt vợ. Khi cô Hằng lên, mọi việc đã thay đổi nên việc tham gia học tập của bà con nơi đây rất tự giác và hiệu quả.”
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, với lòng yêu nghề và trên hết là trách nhiệm, sự tận tâm, tận tuỵ sáng tạo cùng sự trăn trở với những khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn, nhất là với chị em phụ nữ người dân tộc Mông xã Hang Kia, cô giáo Hà Thị Hằng đã cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên miệt mài gieo cái chữ của Đảng góp phần làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ dân tộc Mông ở xã vùng cao Hang Kia, huyện Mai Châu./.