Có nên "triệt để" xóa học thêm?

Và làm sao để xóa? Liệu có xóa được chăng?

1. May quá, cô giáo không dạy thêm!
Trong một văn phòng, có mấy bà mẹ trẻ đều có con đang đi học tiểu học. Ngồi với nhau là họ lại nói chuyện học hành của con cái. Chủ đề  nóng nhất thường là chuyện học thêm. Trẻ con bây giờ phải học quá nhiều. Đi học cả ngày ở trường về, đến tối và ngày nghỉ lại đi học thêm.
Có lần một bà mẹ hớn khoe:
- May quá, năm nay con tôi không phải học thêm. Cô giáo không dạy thêm. Nhà cô cũng có « điều kiện » mà...
Một chị khác bảo :
- Ôi, nhà cô giáo con nhà này cũng « có điều kiện » lắm, nhưng cô vẫn dạy thêm đấy thôi.
Có cháu, vừa đi học thêm lớp của cô giáo dạy chính khóa, vừa đi học thêm  lớp học do một giáo viên nổi tiếng là dạy giỏi mở. «Sao không cho con đi học một nơi thôi ? Giáo viên chính khóa dạy ở trường rồi, về còn học thêm gì nữa ? »
Nói thế thì quá hợp lý rồi. Nhưng phụ huynh học sinh băn khoăn, ái ngại: « Hầu hết học sinh trong lớp đều đi học thêm cô chủ nhiệm. Âu cũng là một "chính sách ngoại giao"... 
Thế là mỗi tuần đi học thêm 4 buổi, 2 buổi học cô giáo chủ nhiệm, 2 buổi học cô giáo « dạy giỏi lắm » ở chỗ khác. Ngoài ra lại còn học thêm tiếng Anh, học luyện chữ đẹp. Thế thì nghỉ, chơi, rèn luyện thể lực vào lúc nào? Thậm chí, cha mẹ chỉ lo việc phân công nhau đưa đón con đi học thêm đã thấy rối tinh rối mù, đảo lộn cả sinh hoạt và công việc. 
 
2. Không học thêm, không giỏi...
Con của chị gái tôi học giỏi từ bé. Cháu tự giác học, và từ lớp 1 đến lớp 5,  thường xuyên đứng đầu lớp, mặc dù không tham gia học thêm.
Lên cấp 2, chị cho cháu thi vào trường tư thục, với suy nghĩ « đã học trường tư thì đương nhiên không phải học thêm ».
Đó là một trường tư thục có tiếng, phải thi đầu vào. Học kỳ đầu tiên của lớp 6, cháu học sút hẳn, điểm số môn chính không tốt. Chị nghĩ rằng lên cấp 2, ở môi trường mới, cháu chưa quen, nên nhắc con cố gắng. Tới học kỳ 2, cháu tôi vẫn không đạt danh hiệu học sinh giỏi, dù rằng số học sinh giỏi chiếm đa số trong lớp. Chị hơi sốt ruột, cho rằng con mình không theo kịp các bạn, nên có ý định chuyển cháu ra trường một công lập bình thường.
Lúc này, cháu tôi về nhà, cho mẹ biết là các bạn trong lớp mình có đi học thêm. Chị tôi đồng ý cho con đi học thêm toán, văn. Sau đó, cuối kỳ 1 năm lớp 7, cháu lấy lại được « phong độ », đứng vào tốp đầu của lớp và giữ được như vậy cho đến hết cấp 2.
Điều đáng nói là cháu hoàn toàn không học thêm ở các thày cô giáo dạy mình trên lớp, mà học ở một trung tâm gần nhà. Các thày cô dạy ở trung tâm này là những thày cô đã về hưu, với mức học phí khá thấp.
Chị tôi cứ băn khoăn không lý giải được vì sao con mình chỉ học ở trường thì không giỏi nổi. Phải chăng vì bây giờ, số học sinh trong mỗi lớp quá đông, khiến giáo viên không thể quan tâm hết mọi học sinh ?
 
3. Nói dối phục vụ nhu cầu...
Gần nhà tôi có cô giáo lớp 5, giỏi có tiếng, và rất tâm huyết với nghề. Nay cô đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, mà học trò đến xin học thêm vẫn rất đông. Học trò của cô ở nhiều nơi trong thành phố về học và nghe nói chỉ có rất ít học sinh lớp cô đang dạy, bởi cô cũng ngại vi phạm quy định « không dạy thêm ».
Nhu cầu cho con học để giỏi thêm ở các thày cô giáo giỏi là có thực, và là một nhu cầu chính đáng...
Một buổi, tan lớp học, tôi nghe có cô bé kể cho mẹ: Mẹ ơi, tuần sau cô cho nghỉ vì có thể có đoàn kiểm tra. Nếu đoàn kiểm tra đến, hỏi bọn con vì sao lại ở nhà cô giáo, thì bọn con phải bảo là: Vì bố mẹ chúng cháu bận, nên gửi chúng cháu ở nhà cô giáo để cô trông giúp!
Bọn trẻ đã học nói dối một cách «ngon lành» như vậy, thật đáng buồn.
Vì sao bọn trẻ lại phải học thêm nhiều thế ? Đâu là nguyên nhân sâu xa của việc này ? Có cần xóa bỏ học thêm chăng, hay việc theo học thày giỏi cũng là nhu cầu chính đáng ? Nếu phải xóa học thêm thì biện pháp nào cho hiệu quả ?
Bạn có «dám» không cho con đến lớp học thêm của giáo viên đang dạy lớp con bạn ?
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên