Có nên xử phạt người ứng xử vô văn hóa trên facebook?
VOV.VN -Cơ quan QLNN chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên facebook.
Thời gian qua, vấn đề quản lý, sử dụng thông tin trên mạng Internet vẫn còn những lỗ hổng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt sự nở rộ của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong đó có facebook khiến một số người vô tình hoặc cố ý đưa thông tin, hình ảnh xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tháng 6 & 7/2013 vừa qua, hai học sinh trung học phổ thông ở thành phố Hà Nội và Đà Nẵng tự tử vì bị bạn bè có lời lẽ xúc phạm và ghép ảnh đưa lên mạng xã hội (facebook). Đây chỉ là một trong số rất nhiều hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội khiến mọi người bức xúc và lo lắng về cách ứng xử trên hệ thống mạng xã hội và trang thông tin điện tử cá nhân.
Thực tế, chúng ta không thể phủ những nhận tiện ích mà trang thông tin điện tử cá nhân, mạng xã hội đem lại. Bởi đó là nơi để chia sẻ thông tin, tình cảm, kết nối bạn bè. Thế nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân hữu ích nhất. Em Đinh Trường Giang, học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội nói: “Em không ủng hộ việc bôi xấu, ghép ảnh các bạn trên facebook, sẽ ảnh hưởng đến danh dự, tâm lý, tinh thần, việc học của các bạn. Theo em, chỉ nên sử dụng faceboook hợp lý bằng cách chia sẻ thông tin bổ ích”.
ảnh: VTCNews.vn |
Chị Phạm Thu Hương, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết; qua mạng xã hội, biết con mình viết những từ ngữ không hay trên facebook. Chị đã kịp thời phân tích cho con hiểu để không có hành động tương tự trong những lần sau: “Thật sự, không phải điều gì con cái cũng nói với bố mẹ. Chúng tôi cũng phải công nhận, mạng xã hội có mặt tốt và xấu. Tôi cũng rất lo lắng nhưng điều quan trọng nhất bố mẹ vẫn phải quản lý con cái mình”.
Mạng xã hội có ưu điểm là truyền bá thông tin rất nhanh, đặc biệt giúp các bạn trẻ tự khẳng định mình. Tuy nhiên làm sao hạn chế được những tiêu cực của mạng xã hội ảnh hưởng tới đời sống là điều đã được đặt ra từ lâu. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Điều này đòi hỏi mỗi người tham gia mạng xã hội cần có bản lĩnh, cách ứng xử văn hóa, tránh biến mạng xã hội thành những trò đùa, là phương tiện để bôi nhọ hình ảnh, xúc phạm người khác.
Lý giải hành động của các bạn học sinh, sinh viên khi đưa hình ảnh, lời lẽ vượt qua giới hạn của trò trêu đùa, vô tình gây ra cái chết của bạn mình, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Ở lứa tuổi học sinh, các em chưa đủ bản lĩnh, nhận thức để phân biệt những hành vi của mình có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hay không. Do vậy, cần định hướng, giáo dục để các em có thái độ, hành vi có văn hóa trên mạng xã hội.
TS Tùng Lâm nói: “Trong quá trình giáo dục, ngoài việc giáo dục các em phải ứng xử văn hóa thế nào trên facebook thì cũng phải chuẩn bị cho các em tâm lý để vượt qua rào cản tác động về mặt tâm lý. Các bạn trẻ cần chứng minh bản lĩnh của mình và mình cũng có quyền lên tiếng, lên án những người thiếu văn hóa. Và chúng ta phải có bản lĩnh và có ý thức đấu tranh trở lại. Trong xã hội hiện nay có những điều vẩn đục thì các bạn trẻ phải tham gia vào đấu tranh làm cho trong sạch hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Quản lý thông tin, Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Với hành vi xúc phạm, xuyên tạc uy tín danh dự nhân phẩm của cá nhân, điểm d, khoản 1, điều 5 của Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành nghiêm cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống danh dự uy tín của cá nhân. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước không thể ngăn chặn hoặc xử phạt hành vi xúc phạm giữa các cá nhân trên các trang mạng xã hội nếu cá nhân đó không khởi kiện ra tòa hoặc có đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Bà Thanh Huyền nhấn mạnh: “Mạng xã hội chỉ là môi trường đưa thông tin đó thôi mà còn xảy ra ở ngoài đời. Thực tế đối với các hành vi này trong thời gian qua có những vụ khởi kiện ra tòa để xử lý vụ việc trang mạng hoặc trang thông tin cung cấp thông tin xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân và nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rồi, chứ không chờ đến Nghị định 72 hay nghị định chuyên ngành về quản lý Internet mới có”.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm giữa các cá nhân trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia mạng xã hội, cần có đủ bản lĩnh để ứng xử phù hợp trước những thông tin bất lợi đối với bản thân và tận dụng tối đa tiện tích mà mạng xã hội mang lại. Vậy nên, việc giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội hiện vẫn là cách làm hiệu quả nhất trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay./.