“Cơn sốt” thi thử đại học
Khi thi thử, học sinh cần phải ôn tập tốt, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn tập đã đòi thi thử.
- Cả 8 học sinh Việt Nam đều giành Huy chương tại Olympic Vật lý
- Thí sinh bình đẳng trong xét tuyển, không phụ thuộc hồ sơ dự thi
- Lùi hạn nộp hồ sơ cho thí sinh ở ngành bị đình chỉ
Đến thời điểm này, nhiều trường THPT trên cả nước đã tổ chức các kỳ thi thử đại học tại trường. Nắm bắt nhu cầu này, ở một số thành phố lớn các trung tâm luyện thi, trường THPT chuyên “chạy đua” để tổ chức các đợt thi thử thu hút hàng nghìn học sinh. Tuy nhiên, việc tham gia quá nhiều đợt thi và nếu đề thi không chuẩn sẽ khiến cho học sinh mất phương hướng và gây áp lực cho chính mình.
“Chạy đua” thi thử
Việc thi thử đại học (ĐH) trong những năm gần đây được xem là phương pháp giúp học sinh có kinh nghiệm, kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi ĐH chính thức. Lướt qua các trang web, chưa bao giờ thi thử lại rầm rộ như năm nay. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Anh Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) liên tục tổ chức các đợt thi thử ĐH và đến nay đã tổ chức được 4 đợt. Trung tâm đưa ra những lời “tiếp thị có cánh” như tổ chức thi sẽ được đảm bảo, cách thức thi giống thi thật, đều đúng chuẩn của Bộ GD-ĐT; Đề thi có chất lượng cao (có phản biện nghiêm túc), gần gũi với đề thi thật của Bộ GD-ĐT; Phòng thi không quá 30 thí sinh; Trả điểm sau 2 ngày thi; Lệ phí thi thử 50.000đồng/môn.
Thi thử Đại học. |
Không chỉ ở các trung tâm mà theo khảo sát, tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội thay vì tổ chức thi thử trung bình 2 lần/năm, nay tăng lên 4 đợt thi với lý do giúp học sinh “cọ xát” tốt với kỳ thi đại học. ở một số thành phố lớn như Hà Nội thì một số trung tâm luyện thi, trường THPT chuyên tổ chức thi thử đã thu hút hàng nghìn học sinh đến từ các trường trên địa bàn và các tỉnh lân cận tham gia. Tính từ đầu năm đến nay, trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức 5 đợt thi với số thí sinh tham gia ngày càng đông. Theo thông báo của trường thì “đề thi sẽ được ra bởi các thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong trường theo đúng cấu trúc mà Bộ GD-ĐT đã ban hành".
Biết kỳ thi qua website của trường, Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12A, THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) được bố mẹ “hộ tống” tham gia đợt thi do trường THPT chuyên ĐH Sư phạm tổ chức ngày 22, 23/4 vừa qua. Hoàng cho hay: “Mặc dù ở trường vẫn tổ chức thi thử nhưng em cùng một số bạn bè đều muốn thử sức ở Hà Nội để lấy không khí. Và thấy đề thi khá sát với đề thi ĐH những năm trước. Các thầy cô coi thi khá nghiêm ngặt”. Tuy nhiên, một số học sinh tại điểm thi này cho rằng, với quảng cáo đề thi “đúng cấu trúc mà Bộ GD-ĐT đã ban hành” nhưng tính chất, mức độ đề thi có tốt hay không thì khó nói được?
Nguyễn Hồng, Hà Nội cũng vừa trải qua đợt thi thử đại ĐH do một trung tâm trên đường Lê Thanh Nghị (gần ĐH Bách Khoa Hà Nội) tổ chức. Hồng đánh giá: “Khác hẳn với những gì trung tâm quảng cáo, phòng thi khá chật hẹp, ngồi sát nhau, chúng em vẫn trao đổi bài được. Còn mức độ đề thi không biết có gần với đề thi ĐH không?!. Em chỉ làm được 50% bài thi. Dù biết thi để thử sức nhưng em khá thất vọng và cảm thấy lo lắng”.
“Chọn mặt gửi vàng”!
Là một trường nhiều năm tổ chức những đợt thi thử ĐH cho học sinh và đạt được kết quả như mong muốn, nhà giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Thi thử cũng góp một yếu tố quan trọng vào việc thi thật, tránh cho học sinh tâm lý bị “sốc” khi bước vào kỳ thi thật nghiêm túc và khó. Sau khi thi xong, bao giờ thầy cô cũng phân tích đề thi, nguyên nhân vì sao bài làm chưa được điểm, làm sai... Với những em sức học còn yếu, nhà trường phối hợp với phụ huynh lên kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho các em. Giúp các em củng cố ôn thêm lý thuyết hoặc tăng cường làm bài tập... Như thế, kỳ thi thử mới có tác dụng”.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên: Khi thi thử, học sinh cần phải ôn tập tốt, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn tập đã đòi thi thử. Việc lựa chọn các trung tâm cũng rất quan trọng, bởi việc tổ chức thi thử ĐH không hề đơn giản, nhiều trung tâm chuyên lấy đề năm cũ xào xáo, không mang lại hiệu quả. “Thi thử ĐH là hình thức ôn luyện được nhiều trường áp dụng và cần có sự đồng tình của phụ huynh, học sinh. Thi thử có những lợi ích như: giúp học sinh rèn luyện tâm lý, giúp học sinh biết năng lực của mình cũng như giáo viên sẽ có phương pháp ôn tập phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, các trường không nên tổ chức thi thử quá nhiều vì sẽ gây áp lực cho học sinh, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc ” - ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khuyến cáo./.