Cuộc thi Toán mô hình: chuẩn bị vào vòng cuối
VOV.VN - Cuộc thi Toán mô hình diễn ra từ 30/7 đến 9/8/2015, thu hút 70 thí sinh là học sinh lớp 10, 11 các trường THPT ở Hà Nội tham gia.
Thầy Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Đồng trưởng Ban tổ chức cuộc thi. |
Một nhóm thí sinh |
Cuộc thi gồm 3 vòng: Vòng Tập huấn diễn ra trong 2 ngày 30-31/7/2015 và được chấm 10% số điểm, vòng Thi viết đã diễn ra ngày 2/8/2015 chiếm 50% số điểm và vòng Thuyết trình diễn ra ngày 9/8/2015 với 40% số điểm.
Cuộc thi bắt đầu từ ngày 30/7 với vòng 1 là Huấn luyện. Trong vòng Huấn luyện này, các thí sinh đã được thử sức với 3 ví dụ từ dễ đến khó của Toán Mô hình do 3 diễn giả: Tống Hiền Chi (Trưởng Ban tổ chức), Lê Minh Phúc (Trưởng ban Nội dung) và Nguyễn Đức Long (Phó Ban Nội dung) trình bày; nghe bài giảng về kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tìm kiếm thông tin và kĩ năng thuyết trình của diễn giả Tô Mạnh Cường; bài giảng về kĩ năng làm slide thuyết trình của diễn giả Phùng Mai Phương; tham gia làm các bài tập nhóm, các thử thách và các trò chơi để thực hành kĩ năng mềm cũng như làm quen với Toán Mô hình. Sau đó các đội làm việc theo nhóm.Nếu toán mô hình được đưa vào trường học thì sẽ là một môn học thú vị!
(Chia sẻ của Tống Hiền Chi, Trưởng Ban tổ chức. Tống Hiền Chi (SN 1994), học bổng A*Star tại National Junior College, Singapore. Trong thời gian học ở Singapore, Hiền Chi liên tiếp đạt nhiều thành tích về học tập cũng như âm nhạc. Từ năm 2010 đến năm 2013, Chi đạt huy chương vàng liên tiếp Kỳ thi Olympic Toán quốc gia Singapore. Năm 2012, đạt huy chương vàng Hóa học quốc gia Singapore. Năm 2014, Chi là một trong 2 người Việt Nam được nhận vào ĐH Yale với học bổng toàn phần cho 4 năm học. Hiện Chi là sinh viên ngành Toán ứng dụng ĐH Yale).
PV: Học sinh ở Mỹ học toán mô hình như thế nào?
Hiền Chi (phải) |
Tống Hiền Chi: Học sinh ở Mỹ hầu hết không được học Toán mô hình như một môn chính thức trong phổ thông. Tuy nhiên ở cấp độ Đại học thì có cuộc thi Toán Mô hình cho sinh viên từ cả nước Mỹ và từ các nước khác, nên sinh viên nếu có đam mê với môn toán, đặc biệt là toán ứng dụng, thì sẽ có cơ hội được tiếp xúc với toán mô hình qua kỳ thi Mathematics Contest for Modeling.
Trong cấp phổ thông thì Toán mô hình vẫn chỉ là một hoạt động mang tính giới thiệu với học sinh, hoặc là những ứng dụng của toán trong đời sống được giới thiệu trong sách giáo khoa, chứ chưa phải là một môn học riêng biệt hay một chủ đề riêng trong Toán.
PV: Chi có nghĩ rằng nên có môn toán mô hình ở trường trung học của Việt Nam không? Và điều đó theo Chi có khả thi không?
Tống Hiền Chi: Em nghĩ rằng nếu môn toán mô hình được đưa vào trường trung học thì sẽ là một môn học thú vị cho các em học sinh. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các giáo viên phải có một trình độ nhất định và được đào tạo cơ bản để có đủ trình độ giảng dạy, nên đây sẽ là dự án lâu dài, cần được hoạch định kỹ lưỡng và có kế hoạch cẩn thận.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên hiểu rằng Toán mô hình và Toán thông thường (Toán lý thuyết được dạy trong trường học) có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ, và đây là hai góc nhìn khác nhau về môn Toán, chứ không hoàn toàn là hai môn học riêng biệt.
PV: Vì sao Hiền Chi chọn theo học ngành Toán ứng dụng?
Tống Hiền Chi: Ngành Toán ứng dụng tại Đại học Yale, theo em thấy, có rất nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Do những ứng dụng của toán rất rộng nên thường học sinh không thể học hết tất cả những mảng ứng dụng toán (công nghệ thông tin, kinh tế, sinh học, vv..vv), mà thường chỉ tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực. Ngành toán ứng dụng vừa yêu cầu học sinh nắm các công cụ toán lý thuyết, vừa đòi hỏi sự hiểu biết về cách áp dụng toán trong các lĩnh vực khác, nên có nhiều hướng đi và cơ hội việc làm cho tương lai.
PV: Việc tổ chức cuộc thi toán mô hình ở Việt Nam lần đầu tiên, chắc còn nhiều khó khan?
Tống Hiền Chi: Do đây là năm đầu tiên Toán mô hình được đưa về Việt Nam, nhiều phụ huynh, học sinh và cả thày cô còn chưa biết đến mảng toán này. Do đó, để tổ chức được cuộc thi năm nay, chúng em đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ Hội toán học Việt Nam và Vườn ươm tài năng, ngoài ra còn có Tổ chức Xã hội Tôi 20 và Các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Giáo dục Yola, Cộng đồng Giáo dục STEM Việt Nam, Công ty sách Long Minh, Trung tâm Toán và Khoa học Hexagon, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM và công ty We Escape. Nhờ trải qua khâu tổ chức vất vả mà chúng em hiểu được tầm quan trọng của sự ủng hộ của những giáo sư đầu ngành, đến từ Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Hội toán học Việt Nam.
Chúng em cũng thấy rất may mắn vì các thày cô, ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu, hiểu được ý nghĩa của cuộc thi Toán mô hình và ủng hộ chúng em trong suốt quá trình chuẩn bị.
Ở trường phổ thông Singapore, Toán mô hình được đưa vào giảng dạy dưới dạng các đề án nhỏ có tính điểm
(Chia sẻ của Lê Minh Phúc, thành viên Ban tổ chức. Lê Minh Phúc- Học bổng A*Star tại National Junior College, Chủ tịch CLB Toán học National Junior College Singapore (2013/2014), đồng sáng lập chương trình thiết kế giáo án Ulu Pandan giúp hỗ trợ công tác giáo dục trẻ em tiểu học nghèo ở Singapore 2013. Đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi về toán tại Singapore và quốc tế, đặc biệt là 2 giải vàng trong các cuộc thi toán quốc gia Singapore 2011 và 2014)
PV: Khi học trung học ở Singapore, Phúc có được học toán mô hình trong trường phổ thông không? Môn học này được dạy như thế nào?Minh Phúc (phải) |
Lê Minh Phúc: Từ lớp 7 đến lớp 10 ở Singapore, Toán mô hình được đưa vào giảng dạy dưới dạng các đề án nhỏ có tính điểm. Các đề án này là những câu hỏi mà chúng ta hay gặp trong thực tế như sắp xếp khẩu phần ăn sao cho vừa đủ lượng calo cần thiết, tạo ra một hình chứa bỏng ngô với dung tích lớn nhất bằng 1 tờ giấy A4...
Học sinh thường được làm việc theo nhóm 3-4 người, và phải chuẩn bị một poster hoặc video clip để trình bày với giáo viên và các bạn cùng trang lứa về đề án.
Nội dung toán học của các đề án này thường khá đơn giản, và phần lớn các em học sinh đều cảm thấy hứng thú khi làm những đề án như thế này. Bản thân việc trao đổi về toán học trong 1 nhóm bạn làm cho môn toán trở nên sống động hơn rất nhiều.
PV: Theo Phúc, kỳ thi toán mô hình lần này ở Việt Nam có mang lại hiệu quả như mong muốn?
Lê Minh Phúc: Mục tiêu của kì thi toán mô hình lần này là muốn xây dựng một phong trào học toán mô hình trong xã hội, để các em học sinh cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của toán hơn là chỉ một môn thể thao trí tuệ.
Do năm nay là lần đầu tiên tổ chức, chưa nhiều người biết đến kì thi nên có lẽ phong trào năm nay chưa được mạnh mẽ.
Tuy vậy, BTC có cảm nhận kì thi đang được những thí sinh năm nay đón nhận khá tích cực, hứu hẹn phong trào sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sau.
PV: Làm thế nào để học sinh, sinh viên Việt Nam biết nhiều hơn về toán mô hình?
Lê Minh Phúc: Theo em, để học sinh biết nhiều hơn về toán mô hình, các thầy cô giáo dạy toán ở Việt Nam nên dành thời gian để cho các em học sinh làm những đề án toán đơn giản, tuy không giúp nâng cao kĩ thuật giải toán nhưng lại giúp toán học trở nên sống động hơn và tạo cho các em động lực để học toán tích cực hơn.
Quan trọng hơn, để học sinh, sinh viên thực sự hứng thú và tìm được động lực lâu dài để học toán mô hình, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng toán học nhiều hơn trong việc đưa ra quyết định tối ưu.
Nếu làm được điều này, kiến thức về toán mô hình sẽ trở nên hữu ích trên nhiều phương diện hơn, và các học sinh, sinh viên sẽ tự động tìm hiểu nhiều hơn về toán mô hình.