Dạy học sinh đi chân trần trên thủy tinh: Mạo hiểm mới dũng cảm?
Ngoài chuyện đi chân trần trên thủy tinh, bài học về lòng dũng cảm còn có phần học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ, băng bó.
Câu chuyện về các em học sinh lớp 6 đi chân trần trên đoạn đường trải đầy thủy tinh sắc nhọn và cuốn sách dạy kĩ năng sống cho trẻ vào lớp 1 cũng có tình huống như vậy đang khiến dư luận “dậy sóng”. Người thì ủng hộ, người thì phản đối vì thấy mất an toàn.
Liên quan đến cách giáo dục kĩ năng này, trên một số diễn đàn mạng cũng đã chia sẻ hình ảnh của một cuốn sách Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1 do TS Phan Quốc Việt chủ biên và nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản. Cuốn sách có 1 trang gồm 3 phần, trong đó, phần Nghe thầy, cô kể chuyện là kể về 1 bạn tự tin đi qua tấm thảm đầy thủy tinh một cách dễ dàng, khi qua rồi, bạn đó cảm thấy không đáng sợ như mình vẫn nghĩ và bạn này quay lại động viên các bạn trong lớp để các bạn dũng cảm như mình đã làm. Bài học là có rất nhiều điều khiến em sợ hãi, nhưng khi em đã dũng cảm vượt qua thì em sẽ không sợ hãi nữa.
Theo lời giới thiệu của Tâm Việt Group trên trang web của mình trong mục Bài giảng cho sách, ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, bài học về lòng dũng cảm còn có phần học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại. Trẻ nhỏ hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này giúp trẻ đối diện với sợ hãi. “Đây là kĩ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết”.
Trao đổi về vấn đề dạy học sinh tự đâm kim tiêm vào tay rồi tự rút ra và tự băng bó cho mình, ông Phan Quốc Việt nói: “Tôi thấy vấn đề này không nguy hiểm và bạo lực. Bài học là chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Tôi từ bé đã tự tiêm, đó không phải là bạo lực mà là tự cứu mình, còn nếu thấy đâm kim tiêm là bạo lực thì đừng tiêm phòng cho con khi nó mới đỏ hỏn, đừng tiếp nước cho mẹ khi mẹ ốm...”
Tuy nhiên có quá nhiều phản ánh sự bức xúc của các bậc phụ huynh trực tiếp đến trang mạng của Tâm Việt, nên những dòng giới thiệu này đã bị xóa.
Còn về nội dung cuốn sách dạy “đi chân trần trên mảnh thủy tinh”, ông Việt cho rằng đây là 1 kĩ năng trong cuốn sách dạy trẻ cảm nhận về sự dũng cảm. Cuốn sách này ra đời được 2 năm. Đến nay cuốn sách đã tái bản và sửa lại tình huống này bằng tình huống tập bơi. Ông Việt cũng cho biết, việc đi qua thủy tinh cũng nguy hiểm như là tập bơi, tập bơi không cẩn thận thì sẽ chết đuối, vì vậy việc đi qua thủy tinh cũng nguy hiểm như thế. Trong 2 năm qua cho đến khi tái bản cuốn sách, chưa thấy có đơn vị nào phản ánh về chất lượng cuốn sách.
“Chúng tôi làm cuốn sách này theo đơn đặt hàng của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2013, cho đến nay chưa có khuyến cáo nào nói về vấn đề này. Tất nhiên là mảnh chai để cho học sinh đi qua chúng tôi phải chuẩn bị kĩ, phải rửa sạch” – ông Việt cho biết.
Ông Việt nêu quan điểm vì sao lại đưa ra tình huống này: “Đừng biến trẻ con thành 1 lũ gà công nghiệp, chỉ biết khóc nhè, ăn sẵn và chờ xin việc... cần dạy trẻ cách tự chủ trong cuộc sống. Hiện nay có rất nhiều vấn đề mà chúng ta có thể vượt qua được nhưng vẫn không thể làm nổi bởi 99% thất bạn là do không dám đương đầu. Chúng tôi giáo dục trẻ cách biết đối diện với khó khăn, thách thức. Chúng ta đang hội nhập và có quá nhiều khủng hoảng: khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng gia đình... chúng ta phải đối mặt, không thể trốn tránh, vì thế học sinh càng cần phải biết về kĩ năng sống hiện tại để đối mặt với khủng hoảng”.
Mạo hiểm nhiều hơn dũng cảm!
PGS Văn Như Cương, người đã từng trải nghiệm việc đi trên thảm thủy tinh cho rằng đó là một chuyện rất nghiêm túc. Trường Lương Thế Vinh đã từng mời TS Phan Quốc Việt về nói chuyện và cho học sinh của trường trải nghiệm và thấy an toàn. Tuy nhiên, ông Cương băn khoăn là không biết đối tượng học sinh nào thì nên áp dụng và trong cuốn sách ấy có dặn dò các em làm như thế nào để đi an toàn hay không?
Chị Phạm Thị M.H, có con học tại trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết: Khi biết các con học kỹ năng sống có phần đi chân trần trên mảnh thủy tinh đã khiến chị “nổi gai gà”. Tuy nhiên, do tất cả mọi người đều để con mình học nên chị cũng không dám ý kiến gì vì thấy mình chỉ là số ít. “Thiếu gì cách dạy các em về lòng dũng cảm mà nhà trường lại chọn cách này. Nếu như thế thì dạy các con cưa bom có khi còn dũng cảm hơn. Lòng dũng cảm đâu phải chỉ thể hiện bằng sự hy sinh xương máu, mà nó có ở muôn mặt của cuộc sống”.
Dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua bao sóng gió của cuộc sống, là làm những việc mà người khác không dám làm, là dám đương đầu với những khó khắn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình... Dũng cảm là một đức tính đẹp, nhưng những hành động trong sách này thì dũng cảm hơi nghiêng về mạo hiểm./.