Dạy lịch sử bằng những nhân chứng sống

(VOV) - Các em học sinh rất thích thú khi được tận mắt nhìn thấy và trò chuyện với người phi công đã bắn rơi máy bay Mỹ

Buổi sinh hoạt truyền thống ngày 21/12/2012 của thầy và trò trường THCS Khương Mai thật đặc biệt. Nội dung chuyên đề kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội-  Điện Biên Phủ trên không, 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 23 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân được các thầy cô giáo trường THCS Khương Mai tổ chức với hình thức sinh động: các em học sinh được hát, xem phim và nghe những nhân chứng lịch sử kể chuyện.

Tiếng vỗ tay vang lên ròn rã khi giới thiệu đến các cựu chiến binh, những  người từng trực tiếp tham gia chiến đấu với máy bay B52 của đế quốc Mỹ, bước vào hội trường.

Cô hiệu trưởng nhà trường nhắc lại mốc lịch sử những ngày tháng chiến tranh ác liệt cách đây 40 năm, rất lâu trước khi các em học sinh ngồi đây ra đời. Cuốn phim tư liệu cho các em hình dung về một thời Hà Nội hào hùng, trong mất mát đau thương vẫn anh dũng chiến đấu chống lại quân thù.

Tiếp đó là câu chuyện với  Đại tá Bạch Lê Thành, nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục kỹ thuật quân chủng Phòng không- không quân; đại tá Bùi Doãn Độ- nguyên là phi công sư đoàn 371 quân chủng Phòng không- không quân và Đại tá Phạm Đình Cơ- Nguyên chủ nhiệm bộ môn Máy bay- động cơ của học viện Phòng không- không quân, những người trực tiếp tham gia trong  cuộc chiến đấu 40 năm trước.

Đại tá Bạch Lê Thành

Tại sao lại gọi là siêu pháo đài bay B52 ? Đại tá Bạch Lê Thành giải thích một cách dễ hiểu cho các em học sinh về những máy bay ném bom tối tân hiện đại nhất thời bấy giờ mà đế quốc Mỹ mang sang tấn công Việt Nam, về những thiết bị mà chúng ta có để chống lại chúng.

Qua lời kể của ông, quá trình chiến đấu gian khổ, khó khăn của quân và dân Hà Nội thời đó được khắc hoạ rõ nét, với những phân tích, lý giải vì sao chúng ta dù thiếu thốn vũ khí, nhân lực mà vẫn thắng được kẻ thù.

Vừa nghe kể chuyện, các em học sinh còn được xem những hình ảnh tư liệu (trong ảnh: Máy bay chiến lược B52 bị bắn tan xác rơi trên đường Hoàng Hoa Thám ngày 27/12/1972)

Câu chuyện của phi công Bùi Doãn Độ, người bắn cháy 1 máy bay Mỹ vào đêm cuối của cuộc không kích, đêm 29/12/1972 (năm đó ông mới 22 tuổi), mang lại cho các em nhỏ những giây phút hồi hộp xen lẫn cảm giác khâm phục sự dũng cảm, thông minh của những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá Phạm Đình Cơ kể về công tác đảm bảo kỹ thuật- hậu cần phục vụ cho chiến đấu vào thời kỳ thiếu thốn khó khăn ấy, góp phần không nhỏ vào chiến thắng.

Các em học sịnh bị cuốn hút vào câu chuyện...

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Khương Mai cho biết, qua buổi sinh hoạt truyền thống này, các thầy cô mong muốn các em học sinh hiểu rõ về giá trị của chiến thắng lịch sử Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, để thêm tự hào về quân đội ta, dân tộc ta. Từ đó thắp sáng ngọn lửa yêu nước của thế hệ trẻ, các em sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, học tập và rèn luyện tốt để mai sau tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường với phong cách đổi mới phương pháp dạy học và sinh hoạt trong trường học. Những bài học lịch sử sẽ trở nên sinh động hơn, dễ nhớ hơn với các em nhờ cách tổ chức như vậy.

Trường THCS Khương Mai là một ngôi trường mới thành lập và đi vào hoạt động được 2 năm. Được sự quan tâm của Quận ủy, HĐND, UBND quận Thanh Xuân, trường được đầu tư với quy mô lớn; các phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, có đủ các thiết bị đồ dùng dạy học hiện đại theo chuẩn quốc gia.

Với đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm luyện thi học sinh giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, phong cách ứng xử thân thiện với học sinh và phụ huynh học sinh; các thày cô đang vững vàng quyết tâm xây dựng trường học nề nếp, kỷ cương, chất lượng giáo dục cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên