Dạy tiếng Anh: Chính sách giống Singapore, sao hiệu quả khác biệt?
VOV.VN -Về chính sách, cơ bản Việt Nam giống Singapore về dạy và học tiếng Anh, song điều kiện cụ thể hỗ trợ cho chính sách đó mới là điều cần quan tâm.
Trước đề xuất đưa nhiều ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Anh, vào giảng dạy tại bậc phổ thông, dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, trong khi việc dạy và học tiếng Anh hiện nay làm chưa tốt, thì việc đưa nhiều ngôn ngữ khác vào giảng dạy sẽ không thực sự hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ dạy nhiều ngoại ngữ cho học sinh các bậc học. Tuy nhiên cần có lộ trình rất cụ thể, tiếng nào đi trước, tiếng nào đi sau và phải đồng bộ từ chính sách tới cơ sở vật chất, cũng như đánh giá nhu cầu thực tế xã hội cần ngoại ngữ gì.
PV: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất đưa các ngoại ngữ khác vào trong nhà trường?
PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Theo tôi, đưa hoặc giới thiệu nhiều ngoại ngữ cho học sinh ở các bậc học thực sự là một chủ trương tốt, bởi vì khi có năng lực ngoại ngữ (cụ thể như tiếng Anh, Trung, Pháp…) đương nhiên người sử dụng tốt ngôn ngữ đó sẽ có rất nhiều lợi thế. Bởi ngoại ngữ giống như cầu nối với tri thức, người có ngoại ngữ có khả năng tìm kiếm việc làm tốt hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào |
Dư luận cho rằng chúng ta dạy và học tiếng Anh chưa tốt trong nhà trường? Theo tôi, đối với tiếng Anh, chúng ta đang triển khai tất cả các sáng kiến để làm sao quá trình đào tạo thực sự hiệu quả hơn. Điều này đã đạt được những tiến bộ nhất định. Còn đạt như mong muốn hay không thì cần thêm thời gian.
Bởi nếu xét cụ thể, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 bắt đầu triển khai những hoạt động đầu tiên từ năm 2008. Nhưng thực sự làm được nhiều và sâu rộng là từ 2011. Như vậy tính đến nay mới chỉ được 5 – 6 năm. Cho nên nói tiếng Anh đã đạt được mong muốn hay chưa, mà đã đưa những thứ tiếng khác vào thì cần xem xét ở góc độ đa chiều hơn.
Hình như Bộ GD-ĐT cũng không hẳn đưa ra quyết định chính xác hoặc chính thức là phải học tiếng Anh và một thứ tiếng nào đó trong nhà trường, mà chỉ là đưa ra lấy kiến rộng rãi. Tôi nghĩ đây là lúc tất cả các bậc phụ huynh, các nhà làm chính sách, các nhà đào tạo, thậm chính những người trực tiếp đứng lớp đóng góp về vấn đề này.
Điều quan trọng vẫn là cách thức giới thiệu một ngoại ngữ thứ nhất, hay một ngoại ngữ 2 như thế nào là quan trọng. Nếu là tôi, tôi sẽ làm động tác nghiên cứu thực sự xem học sinh ở trường tôi hoặc các trường phổ thông khu vực nhà tôi cần thứ tiếng gì. Do đó chúng ta cần có nghiên cứu, điều tra xã hội về nhu cầu. Nếu đó là nhu cầu thực sự thì quá trình học mới tốt được, đầu tư mới xứng đáng và đạt hiệu quả.
PV: Dư luận vẫn so sánh khả năng sử dụng tiếng Anh giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực như Singapore và cho rằng chúng ta chưa tiệm cận được. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến khả năng sử dụng ngôn ngữ này ở ta còn hạn chế?
PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Tôi cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Bởi khi có một chương trình hay chính sách về đào tạo ngoại ngữ, thực sự cần rất nhiều yếu tố chi phối, trong đó nguồn lực là vô cùng quan trọng. Chính sách thì có thể Singapore và Việt Nam giống nhau. Tức là sẽ đẩy mạnh hơn nữa vai trò của tiếng Anh, thậm chí không chỉ là một môn học, mà thực sự là phương tiện truyền đạt kiến thức ở bậc đại học. Tức là dùng tiếng Anh để giảng dạy các chương trình khác.
Sĩ số lớp quá đông cũng ảnh hưởng đến việc dạy và học ngoại ngữ (Ảnh minh họa) |
Thậm chí gần đây, Bộ GD-ĐT đã quan tâm tới việc dạy một số môn khoa học tự nhiên và xã hội ở cấp bậc phổ thông bằng tiếng Anh. Do đó, nếu so sánh về mặt chính sách vĩ mô thì chúng ta rất giống với Singapore và cũng đã thể hiện cam kết của lãnh đạo vô cùng lớn. Nhưng vấn đề ở chỗ có làm được như Singapore hay không, thì điều kiện cụ thể hỗ trợ cho chính sách đó mới là điều chúng ta cần phải quan tâm.
Thứ nhất là tổng lượng thời gian dành cho tiếng Anh ở các bậc học đã ổn chưa? Theo tôi là đang rất hữu hạn. Thứ hai là các nguồn lực, cụ thể là giáo viên của mình đã đủ tốt chưa? Rất nhiều bài viết nói rằng giáo viên của ta chưa đạt chuẩn. Vậy thì khi nào thì đạt chuẩn?
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất như phòng học phải chuẩn, các trang thiết bị đi kèm cũng phải chuẩn. Một mặt rất hành chính, đó là sĩ số lớp học có thực sự là thách thức đối với giáo viên hay không?
Tất cả những nhân tố này nếu xử lý được, chắc chắn chúng ta sẽ tiến một bước rất xa trong việc đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh.
Một điều nữa cũng phải tính đến là môi trường văn hóa của ta khác so với các nước. Trong đó ngôn ngữ được sử dụng rất phổ thông và rộng rãi là tiếng Việt. Đương nhiên học sinh trong lớp có tiếng Anh, nhưng khi ra ngoài xã hội, về gia đình lại dùng tiếng Việt. Vậy có công bằng không khi bắt các em dùng tiếng Anh, khi tiếng Việt sử dụng rất rộng rãi ở ngoài đời hay trong gia đình?
PV: Hiện nay, việc dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông vẫn nặng về học để “trả bài”, vượt qua các kỳ thi, mà chưa phát huy các kỹ năng khác. Đây có phải là nhược điểm của ta?
PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Đúng như vậy. Chúng ta đang thiếu sự đồng nhất. Nếu chúng ta muốn tiếng Anh như một sinh ngữ, tức là nó phải tồn tại, được sử dụng trong cuộc sống thì phải tạo cơ hội cho nó được sống.
Ở đây, trong khi chúng ta hô hào giáo viên dạy kỹ năng giao tiếp, có nghĩa chú trọng vào hoạt động nghe – nói để cho học sinh có thể sử dụng được tiếng Anh. Thế nhưng sách giáo khoa lại được thiết kế theo đường hướng chú trong vào cung cấp kiến thức, nặng về ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc. Kỳ thi đánh giá của chúng ta cũng không quá chú trọng nhiều đến khả năng phát huy khả năng ngôn ngữ.
PV: Dư luận có phần e ngại khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào thị trường lao động khu vực và quốc tế, người lao động Việt Nam có nguy cơ thua cuộc trên sân nhà do trình độ tiếng Anh, quan điểm của ông như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Tôi thì lạc quan hơn. Bởi vì chúng ta không thể nhìn vào các chỉ số chỉ báo ngoại ngữ nói chung về bậc phổ thông, để lo ngại quá nhiều về những người biết hay không biết dùng ngoại ngữ khi tham gia vào thị trường việc làm.
Bởi những người tham gia vào thị trường việc làm đều đã trưởng thành và đã qua các bậc học phổ thông, cao đẳng và đại học, có tiếng Anh rất tốt. Hiện ở các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, những người Việt Nam đều có thể sử dụng ngoại ngữ rất tốt.
Tôi nghĩ khi người lao động có quyết tâm hay động cơ, thì họ hoàn toàn có thể làm việc được trong môi trường quốc tế, đa ngôn ngữ.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Trào!./.