Dạy tiếng Anh ở Đại học còn nhiều lúng túng

Hầu hết trường Đại học không chuyên ngữ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, mà không rèn luyện kỹ năng nghe, nói

Tiếng Anh là bộ môn bắt buộc ở bậc Đại học, song việc đào tạo bộ môn này tại các trường Đại học không chuyên ngữ vẫn đang lúng túng về phương pháp và chương trình. Hầu hết trường Đại học không chuyên ngữ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, mà không rèn luyện kỹ năng nghe, nói.

Hiện, gần 70% số trường Đại học trang bị phòng học tiếng Anh, và gần một nửa kết nối mạng Internet để sinh viên học tiếng Anh. Thế nhưng thời lượng môn tiếng Anh học tại phòng nghe chỉ chiếm khoảng 10%. Có đến gần 65% số trường không dùng phần mềm hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh. Trong khi đó, chương trình đào tạo quay đi quay lại, thiếu tính liên thông trong các cấp học, khiến người dạy và người học lãng phí thời gian.

Khảo sát của Vụ Đại học và Sau Đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) tại gần 60 trường Đại học cho thấy, 84% chương trình là do các trường tự xây dựng. Mỗi trường dạy một kiểu, khiến trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều.

Hậu quả là, khi tốt nghiệp Đại học, đa số sinh viên các trường Đại học không chuyên ngữ vẫn chưa sử dụng được tiếng Anh để học tập, nghiên cứu, hoặc giao tiếp. Trình độ tiếng Anh hạn chế khiến sinh viên ra trường bỏ lỡ nhiều cơ hội có việc làm tốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên