ĐBQH: Vụ lộ đề thi Sinh, cần truy tận gốc vụ việc, xử lý nghiêm minh
VOV.VN - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, gian lận trong thi cử có thể giúp nhiều thí sinh “đỗ oan” nhưng cũng khiến nhiều em "trượt oan". Ngành GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan điều tra, tìm ra gốc rễ sai phạm ở đề thi Sinh và xử lý nghiêm minh.
Ngày 10/6, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GD-ĐT. Đồng thời cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (SN 1963) và ông Bùi Văn Sâm (SN 1949), đều là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Được biết, bà Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề, còn ông Bùi Văn Sâm là thành viên tổ thẩm định đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội đã phản ánh những bất thường của đề thi môn Sinh học và chỉ ra rằng, bài tổng ôn môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Tĩnh ôn cho học sinh trước ngày thi giống đến 90% đề thi chính thức.
Quan tâm, theo dõi diễn biến vụ việc về đề thi Sinh học năm 2021, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết, ngay sau khi phát hiện một số bất thường trong đề thi môn Sinh, giáo viên đã kiến nghị Bộ GD-ĐT làm rõ vụ việc, song sau thời gian dài vẫn chưa có kết quả xử lý, giáo viên này tiếp tục gửi kiến nghị đến Đại biểu Quốc hội. Khi nhận được thông tin, đại biểu Quốc hội đã đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xem xét, làm rõ sự việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, ngành giáo dục luôn được toàn xã hội quan tâm, bởi tác động đến đông đảo học sinh, phụ huynh. Cũng bởi vậy, khi xảy ra sai phạm, tiêu cực, dù ở phạm vi nhỏ cũng tác động lớn đến tâm lý xã hội.
“Chúng ta đang hướng đến sự minh bạch trong giáo dục, nhưng nếu có sự sai phạm, không minh bạch sẽ khiến dư luận rất bức xúc. Khi phát hiện có đơn thư phản ánh bất thường, đương nhiên cần phải xem xét cẩn trọng, song cũng cần xử lý nhanh chóng. Thời gian qua, việc xử lý khi có phản ánh lộ đề thi Sinh học còn kéo dài khiến cử tri bức xúc. Nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang cận kề, nhưng sai phạm từ kỳ thi trước vẫn chưa được làm rõ. Sự chậm trễ này khiến phụ huynh, học sinh và cử tri cả nước mất niềm tin. Trong sự việc này, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT còn chậm trễ trong xử lý”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, hiện nay vụ án về đề thi Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 mới bắt đầu được khởi tố, nhưng thời điểm này, Bộ GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, cơ quan liên quan để điều tra, làm rõ, xử lý dứt điểm, rốt ráo những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng nghĩa với việc cơ quan điều tra đã phát hiện những điểm bất thường, sai phạm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh trên cả nước. Nếu quá trình ra đề thi có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần có sự cân nhắc, tính toán phương án xử lý, đảm bảo sự công bằng, quyền lợi của thí sinh tham gia kỳ thi.
“Tôi nhớ vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc những năm trước, một số học sinh được nâng khống điểm. Đến khi rà soát làm rõ sự việc, đương nhiên những thí sinh này đã bị hủy kết quả thi. Tôi cho rằng, phải xử lý thật nghiêm, công bằng, nếu như chúng ta chỉ xử lý những người vi phạm, không xử lý việc ảnh hưởng đến kết quả thi thế nào sẽ không đảm bảo công bằng. Đặc biệt, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT còn được sử dụng làm kết quả xét tuyển đại học. Một em đỗ “oan” thì cũng có em “trượt oan". Như vậy, cơ hội của những học sinh học thật, thi thật đôi khi lại bị đánh mất vì những gian lận nào đó. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý một cách triệt để, đủ sức răn đe trong sự việc này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên một kỳ thi cấp Quốc gia có dấu hiệu gian lận, trước đó, vụ gian lận thi cử năm 2018 đã khiến hàng loạt cán bộ ngành Giáo dục phải đứng trước "vành móng ngựa". Thông cảm và chia sẻ với giáo dục – một lĩnh vực rất “nóng” khi hầu hết mỗi gia đình đều có con em đi học và giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, cũng bởi vậy kỳ vọng của xã hội với ngành giáo dục “thanh khiết, vô nhiễm với tiêu cực” là rất lớn, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cảm thấy bức xúc khi để xảy ra những sai phạm liên quan đến thi cử.
Từ những sự việc này, bà Nga cho rằng, cần nhìn nhận lại các chế tài xử lý vi phạm hiện nay đã đủ mạnh hay chưa. Để liên tiếp xảy ra những sai phạm, phải chăng đang có những kẽ hở trong quá trình tổ chức ra đề, tổ chức thi để có thể lợi dụng?
“Bộ GD-ĐT cần rà soát lại toàn bộ các khâu từ quy trình xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi, tổ chức thi và chấm thi xem khâu nào còn sơ hở, dễ dàng để các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng, sai phạm. Nếu không làm đến cùng, truy ra gốc rễ vấn đề, chúng ta chỉ có thể xử lý được “phần ngọn” nghĩa là phát hiện sai phạm thì xử lý vụ việc. Nếu vậy, dù có xử lý bao nhiêu sau phạm đi nữa, tôi tin rằng sẽ không xử được hết những vi phạm và vẫn còn lỗ hổng cho những sai phạm sau len lỏi, hình thành”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang đến gần, đại biểu cho rằng, việc rà soát lại các khâu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần khẩn trương, làm ngay lập tức. Chỉ khi có hàng rào bảo vệ vững chắc mới có thể ngăn chặn được nguy cơ./.
Trước đó, trong biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành Bộ GD-ĐT, Bộ Công an để xác minh thông tin báo chí phản ánh về đề thi Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cho thấy, nội dung trong bài tổng ôn của thầy giáo Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh và đề thi chính thức cũng như đề thi thô môn Sinh của Bộ GD-ĐT có độ trùng khớp đến trên 90%. Biên bản này cũng nêu rõ có việc thầy Phan Khắc Nghệ trao đổi với bà Phạm Thị My (Tổ trưởng Tổ ra đề) và ông Bùi Văn Sâm (thành viên Tổ Thẩm định đề thi).
Tuy nhiên, khi đó, trả lời VOV.VN, thầy Phan Khắc Nghệ khẳng định bản thân không làm gì “khuất tất” liên quan đến gian lận thi cử và không biết năm 2021 bà Phạm Thị My và ông Bùi Văn Sâm có tham gia làm đề thi tốt nghiệp THPT. Việc trao đổi qua các năm là có thật, nhưng chỉ là trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa đồng nghiệp với nhau và không liên quan đến đề thi.
“Nếu có sai phạm, tại sao công an vẫn chưa triệu tập tôi để điều tra, điều này rất vô lý”, thầy Nghệ nói.