Đề án 4.000 tỷ đồng mua máy tính bảng: Chỉ dành cho “con nhà giàu“?
VOV.VN - Hầu hết các ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi của đề án, bởi với đề xuất này, chỉ con nhà giàu mới có điều kiện theo học
Sau khi VOV.VN đăng tải các bài viết về đề án 4.000 tỷ đồng số hóa sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1-3 ở TP HCM, bạn đọc đã gửi nhiều ý kiến phản hồi về Tòa soạn. Các ý kiến cho rằng, khi đưa ra một đề án làm thay đổi nhiều vấn đề về phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách học của học sinh cũng như chất đào tạo cần phải tính toán một cách hết sức kỹ càng. Mặt khác, với số tiền đầu tư cho đề án tới 4.000 tỷ đồng, số tiền không nhỏ đối với tình hình nước ta hiện nay, thì việc cân nhắc tính khả thi của đề án phải được đặt lên hàng đầu.
Đề án chỉ dành cho “con nhà giàu”?
Độc giả Nguyễn Văn Nam cho rằng, khi đưa ra đề án này, những nhà quản lý giáo dục ở TP HCM đã tính toán kỹ chưa? Đây là một bước ngoặt rất lớn thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học hiện nay. Giáo viên, học sinh có đủ chủ động để thích nghi với phương pháp dạy học này chưa. Hiện nay, ngay giữa thành phố cũng còn rất nhiều giáo viên, học sinh chưa bao giờ được tiếp cận với máy tính, vậy khi thay đổi cách dạy này thì cần phải có rất nhiều thời gian để đào tạo lại cho họ.
Độc giả Lê Văn và nhiều độc giả khác thì băn khoăn về tình hình tài chính để có được 1 bộ sách giáo khoa điện tử trong nhiều gia đình hiện nay. Các ý kiến cho rằng, trong nhiều gia đình, cứ đến đầu năm học việc sắm cho con bộ sách mới với số tiền vài trăm ngàn, bộ đồng phục mới cũng đã “toát mồ hôi”. Còn với một bộ sách giáo khoa điện tử có giá ít nhất vài triệu đồng, chắc chắn nhiều gia đình sẽ không sắm nổi.
Cùng chung băn khoăn với độc giả Lê Văn, bạn Huệ Mai cho rằng, “chắc gì khi dùng SGK điện tử thì học sinh không phải học thêm tràn lan như hiện nay. Cứ như thế thì hàng trăm khoản tiền phát sinh từ chiếc máy tính bảng, phụ huynh chúng tôi lo sao nổi”.
Độc giả Nguyễn Hùng bày tỏ, “tôi cảm thấy khá buồn trước một đề án chỉ dành cho “con nhà giàu”. Những người soạn thảo đề án này họ có nghĩ là phần lớn học sinh hiện nay trong các gia đình lao động, họ lấy đâu ra tiền mà sắm cho con thiết bị hiện đại như vậy. Tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục khi đưa ra một đề nghị gì, nên khảo sát trên diện rộng, lấy ý kiến của nhiều đối tượng phụ huynh để không đưa ra những đề án thiếu khả thi như vậy”.
Độc giả caovanthuan đề xuất: “Theo tôi, học sinh từ lớp 1-3 chủ yếu trong giai đoạn này là học cho biết chữ, rèn luyện chữ,.... Nếu đề án này khả thi đưa vào sử dụng thì sau khi học xong lớp 3, lên lớp 4 các em lại quay lại bắt đầu tập viết chữ?. Đề nghị nhà quản lý nên xem lại kẻo tốn tiền của dân”.
Đừng ra những đề án “salon”
Cô giáo Lê Thị Thu, giáo viên lớp 1 ở cùng cao Hà Giang cũng chia sẻ, với giáo viên ở những nơi nghèo như cô, việc vận động các gia đình đưa trẻ đến trường cũng đã là một khó khăn, thậm chí nhiều khi thầy cô phải bỏ đồng lương ít ỏi của mình để mua bút, vở cho các em. Nếu việc dùng máy tính bảng sau này phổ cập đến nhiều tỉnh thì chắc chắn nhiều trẻ em sẽ không được đến trường. “Được giảng dạy, được tiếp cận với môi trường hiện đại là ước mơ của tất cả mọi người. Nhưng phải xét đến hoàn cảnh thực tại để đưa ra những đề xuất không phải “trên trời”.
Độc giả ký tên zai thì cho rằng, những năm chưa cải cách giáo dục, chương trình đơn giản, không có học thêm, anh truyền em học chung một bộ sách mà kết quả vẫn tốt. Các bậc giáo sư, tiến sỹ đáng kính đều học theo chương trình này. Nay thì chương trình quá nặng, học liên miên mà hiểu biết của học sinh không hơn. Nay lại thử nghiệm chương trình như vậy, chắc các nhà nghiên cứu chính sách đã bao giờ đi thực tế tới người lao động, chỉ là chính khách salon.
Bày tỏ ý kiến của mình, độc giả Hòa Bình viết: “Những người viết đề án này họ có nghĩ đến đoạn kết khi thực hiện đề án? Người dân chúng tôi cần là một "định lượng" cụ thể cho các tiêu chí đưa ra chứ không phải là một cách chung chung như vậy. Chúng ta không nên biến con em chúng ta thành những con người phải suốt đời sống chung với cặp kính trên mắt và thành một "gamer" từ lúc nhỏ?. Điều này là thực tế đang tồn tại chứ không chúng ta không nên ảo tưởng và đặt mục tiêu quá cao như vậy”.
Bạn Minh Tuấn bày tỏ lo ngại về việc ngành giáo dục hiện nay đưa ra những dự án “ngàn tỷ đồng”. Các đề án này luôn đè nặng lên đời sống khốn khó của phần lớn gia đình. “Cứ loay hoay hết đề án này đến đề án khác, ham mê gặt hái thành tích mà quên đi giáo dục đạo đức con người. Đạo đức xã hội ngày một đi xuống, môi trường giáo dục ngày càng xuống cấp, thật đáng lo ngại về tỷ lệ trẻ em phạm tội trong thời gian gần đây”./.