Đề án 4.000 tỷ mua Ipad: Nên thí điểm mức độ khả thi

VOV.VN - Cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng việc số hóa SGK lớp 1 đến lớp 3 áp dụng vào thời điểm này là chưa khả thi

Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 của thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014-2015 đã nhận được không ít ý kiến của các phụ huynh có con đang theo học bậc tiểu học.

Chị Bùi Phương Nhung (phố Vọng Hà, Hà Nội) có 2 con đang học lớp 1 và lớp 4 đánh giá cao việc thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn đề xuất hiện đại hóa phương pháp giáo dục, đưa công nghệ mới tiên tiến vào việc giảng dạy cho trẻ.

Sách giáo khoa điện tử có thể khiến trẻ mắc bệnh ỷ lại, lười suy nghĩ
Theo chị Nhung, thực tế, máy tính và Internet đã là những “món ăn” không thể thiếu trong cuộc sống của chúng. Với nhiều gia đình có điều kiện, phụ huynh đã cho phép con em họ tiếp cận rất sớm với nhiều phương tiện điện tử viễn thông hiện đại. Trong khi ở độ tuổi của các bé, khả năng nắm bắt và học hỏi rất nhanh nhạy, chỉ cần nhìn người lớn thao tác chúng có thể làm theo tức khắc.

Chị Nhung cho rằng việc số hóa SGK cho học sinh nói chung và học sinh tiểu học nói riêng là điều cần phải làm để không còn cảnh các cháu đến trường phải mang vác nhiều sách giấy truyền thống cồng kềnh, nặng nề với những hình ảnh minh họa kém sinh động. Trong khi SGK điện tử rất thuận tiện cho việc tra cứu và tìm thông tin nhanh, minh họa bài giảng gồm cả hình ảnh, video và âm thanh rất sinh động gây hứng thú học tập cho học sinh, đặc biệt ở lứa tuổi ưa khám phá như các cháu. Tuy nhiên, chị Nhung cũng cho rằng, vì sự tiện lợi của SGK điện tử, học sinh rất dễ mắc bệnh ỷ lại, lười ghi chép dẫn đến việc tiếp thu bài học không hiệu quả.

Một phụ huynh khác cũng có con bắt đầu vào học lớp 1, chị Uyên Phạm (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho rằng, điểm tích cực duy nhất của đề án đổi mới này là trẻ không phải vác một cái cặp nặng chịch, đầy ắp sách giáo khoa tới trường vì tất cả các môn học đều đã được tích hợp trong Ipad. Tuy nhiên, chị Uyên băn khoăn không hiểu vì sao các nhà soạn thảo đề án này lại dành cho các khối lớp từ 1-3, đặc biệt là lớp 1, khi các em còn chưa đọc thông viết thạo.

Lý giải cho băn khoăn này, chị Uyên Phạm cho rằng, dù cho trào lưu đi học trước khi vào lớp 1 là khá phổ biến, nhưng không phải tất cả học sinh mới bước vào lớp 1 đều đã biết đọc, vì vậy, việc thao tác với các lệnh trên Ipad sẽ là nhiệm vụ bất khả thi với một số em.

Về số tiền hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án phục vụ việc mua máy tính bảng để làm sách giáo khoa điện tử trang bị cho học sinh, chị Bùi Phương Nhung cho rằng đây có thể là sự lãng phí ngân sách nếu đề án chưa được thực hiện thí điểm, chưa đánh giá được những hiệu quả của việc đổi mới đem lại. Còn nếu chi phí mua máy do gia đình học sinh tự đầu tư, theo chị Nhung, đây cũng sẽ là gánh nặng cho các gia đình không có điều kiện kinh tế.

Còn chị Uyên Phạm lại cho rằng sẽ là vô lí khi đổi một bộ SGK giá thành chỉ vài trăm nghìn sang một thiết bị điện tử trị giá nhiều triệu đồng mà xã hội chưa hề thấy tính ưu việt của sự chuyển đổi này. Đó là chưa kể, khi mua cho con một bộ SGK, phụ huynh có thể yên tâm bộ sách đó sẽ theo con cả năm học bởi khả năng mất, hỏng là rất hiếm, thậm chí, nếu con giữ gìn tốt thì còn có thể đem cho, tặng để những học sinh năm sau dùng. Tuy nhiên, để trẻ từ 6-9 tuổi sử dụng một thiết bị điện tử gần như cả ngày thì khả năng hỏng hóc là quá cao. Liệu mấy gia đình có khả năng mua ngay cho con 1 ipad mới khi con rơi vào trường hợp này? Kể cả trong trường hợp mua được thì chi phí cho năm học của con cũng đội lên một con số không hề nhỏ.

Chưa biết đề án có được thông qua hay không, tuy nhiên có thể thấy rõ rằng việc sử dụng Ipad trong suốt thời gian học ở trường và cả buổi tối sẽ là mối nguy cơ đối với thị lực của trẻ. Mặt khác, việc kiểm soát trẻ dùng thiết bị này sẽ vô cùng khó một khi nó trở thành một dụng cụ học tập luôn kè kè bên con, còn bố mẹ thì không thể quản lý con suốt ngày. Khi không có bố mẹ, thấy cô bên cạnh, có mấy trẻ đủ nghị lực để click vào chương trình học thay vì một trò chơi nào đó?

Việc cho học sinh tiểu học tiếp cận sử dụng máy tính bảng là việc rất cần thiết. Tuy nhiên để việc đổi mới này mang lại kết quả tích cực, cả thầy cô và gia đình cần phải có phương pháp kỹ thuật để kiểm soát các cháu sử dụng ngoài mục đích học tập.

Nhiều ý kiến phụ huynh khi được hỏi về đề án đổi mới của ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đều có chung quan điểm cho rằng, nên chăng, thực hiện thí điểm tại một mô hình giáo dục nào đó để đánh giá mức độ khả thi của đề án, hoặc áp dụng SGK điện tử như một phần tham khảo bên cạnh SGK truyền thống trong một vài năm.

Cũng có ý kiến cho rằng đề án đổi mới chưa khả thi nếu áp dụng vào thời điểm này, và chỉ có khả năng áp dụng trong ít nhất 5 năm nữa./.   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên