ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm hàng loạt ngành mới liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0
VOV.VN - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa kí quyết định ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó xuất hiện nhiều ngành nghề mới.
Thông tin về quyết định 4033, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực đào tạo, tạo sự liên thông trong cùng đơn vị và giữa các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm phát huy sức mạnh của từng đơn vị và sức mạnh tổng hợp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Việc quy hoạch này cũng giúp Đại học Quốc gia Hà Nội tìm tòi, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, độc đáo, tiên phong mang thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ. Những ngành thí điểm là những ngành chưa có tên trong danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và đã được đánh mã số. Những ngành thí điểm này là "đặc sản" trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Trong những giai đoạn trước, nhiều ngành thí điểm sau đó đã được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong toàn quốc, được khẳng định và đánh giá cao như thạc sĩ và tiến sĩ Đo lường đánh giá trong giáo dục, kỹ sư Công nghệ - Kỹ thuật xây dựng - Giao thông, kỹ sư Tự động hóa và Tin học, Công nghệ Hàng không - Vũ trụ; cử nhân Khoa học dữ liệu, kỹ sư Năng lượng, Vật liệu và Linh kiện nano, An ninh phi truyền thống, Biến đổi khí hậu, ... Những ngành và chuyên ngành thí điểm là kết quả của hoạt động nghiên cứu và hội nhập quốc tế, thể hiện sự tiên phong dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội", GS Đức cho hay.
Một số ngành/chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số, … Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, mỗi ngành, chuyên ngành ra đời đều có vai trò, chức năng nhất định đối với sự phát triển biện chứng của kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự “biến mất”. Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành, kèm theo là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt, có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp.
Sự "ứng biến" này, cũng như sự trưởng thành của các nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ hội và là nền tảng cho sự ra đời các chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, liên lĩnh vực. Từ đó kéo theo sự tái cấu trúc của các đơn vị và sự phát triển về đội ngũ và tiềm lực KHCN của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.
Trước đây, ngành đào tạo gắn chặt với nghề nghiệp của sinh viên khi tốt nghiệp, mỗi ngành ứng với một/một vài nghề. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều thay đổi lớn đã được dự đoán trong cách sống và cách làm việc của con người. Giáo dục STEM, khả năng thích ứng và hội nhập, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, gắn với phát triển bền vững, cùng với ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những chìa khóa quan trọng cho sự thành công của mỗi cá nhân cũng như đánh giá thành công của giáo dục đại học.
Mô hình phát triển của trường đại học cũng có sự thay đổi, trước đây hay nói đến đại học nghiên cứu tiên tiến, ngày nay không chỉ có thể, mà nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột trong cấu thành của một trường đại học trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Vì vậy, thời gian tới, sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề, mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra, đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào, và từ đó cũng mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học, và cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học./.