Đổ một cánh cổng trường, vỡ… hai niềm tin?

Cánh cổng trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội bị xô đổ, bung ra sự đổ vỡ niềm tin vào giá trị tự học và kiểu dạy - học nào đó hiện nay.

Đổ cánh cổng trường…

Mấy ngày nay, truyền thông loan tin, mặc dù Trường tiểu học Thực Nghiệm (50 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã dán thông báo và nhấn mạnh: “Nhà trường không chấp nhận việc xếp hàng trước cổng trường dưới mọi hình thức”, thậm chí còn giải thích rõ: “Không ghi tên xếp giấy khai sinh trước”, nhưng từ 2h sáng 12/5, hàng trăm phụ huynh đã tập kết trước cổng trường.

Cánh cổng trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội bị xô đổ

Sở dĩ có tình trạng này là do số lượng đơn dự tuyển mà Trường tiểu học Thực Nghiệm phát ra ở mức hạn chế, 200 hồ sơ, và chỉ tiêu nhận 140 học sinh. Vì thế, phụ huynh nào cũng muốn giành được vị trí sát cánh cổng trường hơn để chen được vào mua hồ sơ, khi cổng mở, kẻo hết.

Chuyện thức đêm, chen lấn của phụ huynh để mua hồ sơ vào trường nào đó không còn là hiếm ở đất Thủ đô. Lẽ ra những chen lấn ở trường PTCS Thực Nghiệm lần này cũng không trở thành điểm nóng trong ngành giáo dục nước nhà nếu như khoảng 6h sáng, ngày 12/5, một cánh cổng trường PTCS Thực Nghiệm… không đổ rầm xuống vì sức đẩy của hàng trăm con người.

Sau đó, dòng người xô đẩy, chen lấn ùa vào sân trường. Sự hỗn loạn đến mức nhà trường phải phát loa thông báo tạm hoãn việc bán hồ sơ và mời phụ huynh giải tán. Dĩ nhiên, mục tiêu “giành” hồ sơ vẫn còn nên sự chen lấn, thức đêm vẫn tiếp tục vào rạng sáng 13/5…

Đổ vỡ… hai niềm tin?

Từ sự việc kể trên, phải chăng đây là một “phát súng” báo hiệu công khai về hai thứ niềm tin trong nền giáo dục nước nhà đang bị “vỡ”?

Thứ nhất, đó là vỡ niềm tin của phụ huynh vào khả năng tự học để vươn lên của con em họ. Bởi, đâu đó người ta vẫn răn dạy con cháu mình rằng, học để lấy kiến thức, lấy nghề mưu sinh, học để làm người tử tế. Và rằng, nhà trường dù có thầy cô giỏi đến đâu, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại đến thế nào chăng nữa, nếu học sinh không có khả năng “ngấm” kiến thức, chắt lọc điều thầy/cô dạy thành kiến thức cho riêng mình, hoặc đến trường chỉ cốt ghi tên, đóng phí để chờ… lấy bằng, e rằng kết quả sẽ là vô nghĩa.

Khi tìm mọi cách đưa con vào trường có danh, nhất là vào được rồi, bố mẹ “rung đùi” nghĩ trường sẽ biến con họ thành tài, tức là họ cũng đang truyền vào con em mình một tư duy sống lệ thuộc, đó là lệ thuộc vào nhà trường, vào cái “danh” của trường hơn là vào sự tự thân thực học của con em họ.

Hơn thế, giả định nếu người ta đổ xô giành hồ sơ cho con vào học trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội vì ngôi trường này GS Ngô Bảo Châu từng học, và mong một ngày nào đó con họ cũng thành Ngô Bảo Châu 2, 3,… Nhưng nếu dễ có được một GS Ngô Bảo Châu như thế, hẳn là sự tôn vinh GS Châu sẽ không có giá trị như họ đang thấy.

Thứ hai, phải chăng niềm tin của người học (hay đúng hơn là những người đầu tư cho việc học) vào không ít kiểu nhà trường ở nước ta đang bị vỡ?

Sự vỡ ở đây thể hiện ở việc cho con vào học trong trường công lập, trường chuẩn này chuẩn nọ xem ra không còn là “lựa chọn số một” của không ít phụ huynh. Thay vào đó, họ lao tâm khổ tứ, hao tiền tốn của tìm cách cho con em mình vào học ngôi trường mà “nghe nói tốt lắm”, ít ra là họ có thể tin được một điều tốt lành sẽ đến với con em, gia đình họ từ ngôi trường đó, bất kể trường ta hay tây, tư thục, bán công hay công lập…. Niềm tin, trong trường hợp này, bên cạnh được tạo dựng nhờ có ông này, bà kia nổi tiếng từng học ở đó, còn do họ tin vào một lối giáo dục, đào tạo mới, khác các trường khác chăng?

Điều nhiều phụ huynh quan tâm hàng đầu không còn là vấn đề học phí mà là trường phải xứng đồng tiền bát gạo họ đầu tư. Hẳn là cái “xứng” ở đây gồm hai mặt: Thái độ ứng xử và giá trị kiến thức của nhà trường dành cho người học. Có lẽ sự chen lấn, xô đẩy đó là họ đang đi tìm nơi đặt niềm tin để gửi con em vào học.

Vì thế, nếu niềm tin của người học vào kiểu trường nào đó, ngôi trường nào đó bị đổ vỡ, xem ra lỗi ở cả hai phía. Đó là nhận thức sai về giá trị giáo dục và giá trị con người trong xã hội của người học. Đồng thời, những ngôi trường bị người học quay lưng có lỗi ở chỗ: họ chưa thỏa mãn được mong mỏi của người học, chưa gây dựng được niềm tin ở người học với mình. Nói cụ thể là, đâu đó trong những ngôi trường bị quay lưng này, do họ đang có thái độ ứng xử, cách truyền đạt kiến thức và giá trị kiến thức họ mang đến với người học và gia đình người học không xứng với đồng tiền bát gạo, với niềm tin họ đặt vào nhà trường.

Vì thế, khi phụ huynh phải thức thâu đêm, trèo tường, xô đổ cánh cổng trường để mong kiếm được một vị trí ngồi học xứng đáng cho con em mình, nhìn từ góc độ vì tương lai con em chúng ta, vì tương lai của đất nước, thì cái sự lăn lộn, chen lấn ấy cũng đáng để thông cảm lắm chứ.

Và, tất nhiên, khi cánh cổng trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội bị xô đổ, bên cạnh nỗi buồn về những niềm tin đang vỡ, lại nhen nhóm mở ra và dựng lên một kiểu trường mới, tia hy vọng về một sự bứt phá nào đó cho giáo dục nước nhà, bắt đầu từ sự đòi hỏi chính đáng của người học chăng?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên