Doanh nghiệp Nhà nước nợ... khủng: Con dại, cái có mang?
Theo báo cáo thống kê, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
- Mong mỏi của doanh nghiệp
- Vụ Vinalines làm nóng chuyện giám sát việc dùng tiền vốn nhà nước
- Đề xuất cho tập đoàn sông Đà vay vốn để trả nợ
Thông tin về số nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Bộ Tài chính nêu ra trong đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” khiến dư luận không thể không giật mình.
Hàng loạt DNNN lỗ, nợ... khủng
Theo Đề án, thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp rất yếu kém, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính và có tình trạng thua lỗ kéo dài. Khối doanh nghiệp này chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhiều bê bối nợ nần của Vinalines đang gây xôn xao dư luận |
Cụ thể, đề án cho biết, đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Đáng chú ý là chỉ riêng 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước dư nợ đã lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với 72.300 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỷ đồng; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản (TKV) với 20.500 tỷ đồng; kế đến là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với 19.600 tỷ đồng...
Về tình hình nợ, đề án cho biết có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần (như Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc).
Đồng thời, đề án này còn đánh giá: Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty còn lớn: theo báo cáo thống kê mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cụ thể, có một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN (năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ đồng), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (năm 2009 theo kết luận của kiểm toán là 1.026 tỷ đồng) và một số tổng công ty khác... Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến ngày 31/12/2011 là 26.110 tỷ đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Với những con số nợ nêu trên, có thể nhận thấy một bức tranh khá ảm đạm về các DNNN, trong đó đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Bức tranh vẽ bằng những con số nợ rất lớn này cho thấy, cho dù trong đề án có đánh giá đến phần tích cực của DNNN, như đa số các doanh nghiệp nhà nước đều có lãi và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Điển hình như các tập đoàn Petro Vietnam, VNPT, TKV, Viettel, Sông Đà, các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Miền Nam và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn… Nhưng sự tích cực này đặt trong bức tranh nợ nần, yếu kém thì nó cũng không đủ hồng để chùm cho cả bức tranh đang nhuốm màu oặt ẹo này.
Và, nói về hạn chế chung lại, đề án có nêu là công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước, nhiều lĩnh vực quan trọng doanh nghiệp nhà nước giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế; một số ngành, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác có thể tham gia nhưng doanh nghiệp nhà nước giữ thị phần lớn tạo ra tình trạng độc quyền; khu vực doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều tài sản, đất đai, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí, thậm chí sai mục đích…
Lâu nay, đây đó truyền thông đưa tin về việc tập đoàn nhà nước này, công ty nhà nước nọ thua lỗ, yếu kém, thì vẫn cứ coi như đó là những "con sâu là rầu nồi canh". Nhưng nay, qua những gì mà chính một cơ quan quản lý cấp Bộ của Nhà nước đánh giá về DNNN, mọi công dân đều có quyền nhìn vào đó như một căn cứ cụ thể, chính thống để hiểu rõ hơn về “sức khỏe” của DNNN.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khách quan mà nói, DNNN cũng khó tránh tác động tiêu cực chung đó. Tuy nhiên, phải chăng chính nhờ thời buổi khó khăn này lại là một enzim xúc tác cho phản ứng dây chuyền khiến “giọt nước khó khăn” làm “tràn ly nợ nần, yếu kém” của không ít DNNN?
Rõ ràng, sự yếu kém này đã tích lũy từ lâu, số nợ khủng cũng do tích lũy nhiều năm mà thành chứ không phải của ngày một ngày hai. Hơn nữa, khi có tập đoàn này, công ty nọ của nhà nước thừa nhận hoặc buộc phải thừa nhận do đầu tư ngoài ngành, dàn trải... nên thua lỗ thì hẳn là lỗi này được coi như sự... chót dại!
Và, xét một cách lô gic, hẳn phải có “lỗi hệ thống” bấy lâu nay. Bởi nếu hệ thống này hoạt động hiệu quả, kiểm soát sát sao hoạt động của mỗi DNNN thì chắc hẳn những yếu kém hay thua lỗ đã được chẩn trị ngay, cái "dại" phải được dạy dỗ, uốn nắn kịp thời chứ không thể để đến thành “khối u” như hiện nay.
Vậy nên dư luận có lý và có quyền chính đáng khi đặt câu hỏi: DNNN do ai quản lý? Khi DNNN thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả tràn lan, nợ “khủng” thì ai chịu trách nhiệm? Bởi nếu thuận lẽ đời, người xưa luôn dạy: “Con dại, cái mang”! Xem ra lâu nay vẫn ít, thậm chí rất ít "Cái" đứng ra "Mang" một cách cụ thể, thuyết phục như một sự "trả giá" vì để "con dại".
Thêm nữa, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài Bộ Tài chính để trả nợ, vì Tập đoàn này đang gặp khó khăn trong việc cân đối vốn trả nợ các ngân hàng nước ngoài do một khoản nợ lớn từ công ty thành viên.
Xét từ trường hợp này, phải chăng Tập đoàn Sông Đà đang biểu hiện phần nào trách nhiệm của “cha” đối với “con” kiểu “con dại, cái mang?” Nếu thế, nhìn rộng ra toàn hệ thống DNNN, cách “mang” này có thỏa lòng dân?./.