Đôi điều về sự học và thi

Sự học của chúng ta hiện nay bị giằng co giữa hai căn bệnh nan y là “thành tích” và “bằng cấp”.

Từ xưa đến nay các nhà giáo dục đều cho rằng “học để làm người”, làm người tử tế, có sức, có đức, có tài, có tâm. Chưa ai nói một vế “học để thi” cả.

Thi cử cũng mỗi thời mỗi khác.

Xưa thi để thẩm định chất của sự học. Thi để vào đời, làm quan. Mà phàm đã làm quan là biết “chữ”, biết “nghĩa” và biết “luật”. Nói cho cùng thời nay thi cũng là để đánh giá chất lượng một quá trình học tập. Nhưng khi kết quả thi được coi là “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giảng dạy và học trong một nhà trường đến với cái đích cuối cùng là “thi đua” thì “thi cử trở thành bệnh thành tích”. Căn bệnh xã hội trầm kha mà “bác sỹ giáo dục học” đã cảnh báo nguyên nhân gốc là càng ngày càng đi xa triết lý giáo dục.

Học để làm Người, chứ không phải chỉ vì bằng cấp (Ảnh minh hoạ)

Các nhà giáo dục hàng đầu trên thế giới đã nêu triết lý giáo dục khá ngắn gọn. Đó là học để biết, học để làm việc, học để chung sống với mọi người, học để tồn tại.

Triết lý giáo dục của phương đông là Đức, Trí, Thể, Mỹ. Nói như giáo sư Phạm Minh Hạc là Tâm lực, Trí lực và Thể lực. Như vậy học là để làm Người với ý nghĩa viết hoa của nó, học là để phụng sự quốc gia, dân tộc và nhân dân như Bác Hồ căn dặn, chứ không phải học chỉ nhăm nhăm đi thi, cốt có bằng cấp trong tay để vào đời, để thăng quan tiến chức.

Tất nhiên đã học thì phải nhớ, muốn nhớ thì phải kiểm tra, muốn đánh giá kết quả nhận thức thì phải thi. Người viết bài này nhớ lại khóa học chính quy tại Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1985 – 1987, giáo sư Kinh tế vừa vào lớp cho bài kiểm tra 15 phút. Kết quả rất kém, vì không ai chịu học bài trước khi đến lớp cả. Có học viên thẳng thừng: “Chúng tôi là cán bộ nhà nước đi học chứ không phải học sinh cấp 3”.

Giáo sư thủng thẳng: “Kiểm tra không phải là hạ thấp vị thế của cán bộ nhà nước đi học mà tôi muốn các anh các chị phải nhớ kiến thức đã học để sau này làm việc cho tốt”. Kiểu nói chầm chậm của ông Đồ Nghệ làm tôi nhớ mãi, ngấm mãi đến bây giờ.

Đúng là đã học phải kiểm tra, phải thi mới đánh giá đúng chất lượng học tập. Nhưng thi vì cái gì, để làm gì, thi như thế nào để có chỉ số đúng mới là điều đáng bàn, đáng nói. Muốn có chỉ số đúng, sát cuộc sống, hợp thời đại thì trước hết phải xây dựng đầy đủ bộ chuẩn mực. Chuẩn mực quốc gia, chuẩn mực cho từng ngành, từng cấp, từng trường. Đích cuối cùng là chuẩn mực ra trường để vào đời.

Những năm 90 của thế kỷ trước có chuyên gia Mỹ sang làm việc tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của ta, nói thẳng: “Đất nước Việt Nam rất đẹp, dân tộc Việt Nam, người Việt Nam rất quả cảm. Các ông thừa chiến công, nhưng các ông thiếu một điều cơ bản là Chuẩn mực”. Nghe xong, có người như bị xúc phạm, giận lắm. Tôi càng nghĩ, qua thời gian càng ngấm. Chuẩn chưa có, hoặc có mà bị xô lệch đều đưa đến định hướng sai. Sự học của chúng ta hiện nay từ cơ sở đến đại học, trên đại học bị giằng co giữa hai căn bệnh nan y là “thành tích” và “bằng cấp”.

Phần nổi của tảng băng

Chắc chưa ai quên mùa thi Bính Tuất, năm 2006, thầy giáo, giám thị Đỗ Việt Khoa ở trường Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội, dũng cảm tố cáo gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ấy cũng là năm tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chủ trương lập lại kỷ cương trong thi cử và phát động phong trào “hai không”. Nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với bệnh thành tích. Phong trào làm xôn xao một thời và nhất thời mang lại hiệu quả.

Ông Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc sở GD - ĐT Nghệ An mới đây nhận xét: “38 năm làm trong ngành Giáo dục, nhưng chưa năm nào tôi thấy kỳ thi tốt nghiệp được làm thật như năm 2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không”. Phong trào vẫn là phong trào, vận động cũng chỉ dừng lại ở vận động, một khi không có cơ chế, chính sách kèm theo bảo đảm thành công. Tảng băng gian lận thi cử, thành tích nhô lên một chút theo hiện tượng Đỗ Việt Khoa cho thiên hạ nhìn thấy mà giật mình rồi chìm xuống theo năm tháng, theo con bệnh đã nhờn thuốc.

Tảng băng lại lần nữa trồi lên

Chiều 18/6/2012 oi nồng, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Giang chính thức công bố kết luận thanh tra vụ tiêu cực thi cử ở hội đồng thi trường THPT Đồi Ngô. Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc sở GD ĐT Bắc Giang nói với phóng viên báo chí: “Tôi xin hoan nghênh các tổ chức, cá nhân tố cáo hành vi tiêu cực nói chung và thi cử nói riêng. Cá nhân em S., trong kết luận đã nói, em đó mang bút gắn thiết bị điện tử vào phòng thi, theo quy chế em đó vi phạm…. Nhưng em đó có hành động quay phim để tố cáo tiêu cực. Chúng tôi hoan nghênh hành động đó, chính vì vậy chúng tôi không hủy kết quả bài thi như quy định quy chế.”

Nếu như em S. không quay phim, nếu như không tung lên mạng thì ai một lần nữa “bị” hoặc “được” chiêm ngưỡng chóp tảng băng? Chiều dài, chiều rộng, bề dày của tảng băng là bao nhiêu? Là cả nước, là cả một thời gian dài đằng đẵng, là dày đặc, quánh lại, đến ngộp thở.

Nhiều năm, nhiều tỉnh tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT khá nghiêm ngặt. Kỳ thi mang tính chất nội bộ, có tốn kém, tiến hành khá chặt chẽ, nghiêm túc nên kết quả khách quan, phản ánh đúng thực chất của “sự học”, nhưng lại khác xa với thi thật. Tỉnh nào, thành nào cũng có con số để dẫn chứng.

Xin lấy Ninh Thuận làm ví dụ: Năm học 2010 – 2011, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi thử là 48,01%, nhưng chưa đầy một tháng sau trong kỳ thi quốc gia, con số này lên tới 91,85%. Kết quả so sánh ở nhiều trường làm mọi người nhạc nhiên đến mức không tin nổi, dù đó là sự thật. Trường THPT Nguyễn Huệ từ 3,1% thi thử, đánh đùng một cái vào thi thật đạt 99,29% tốt nghiệp. Kỳ lạ thay, trường THPT  iSchool thi thử đạt 2,2%, vậy mà cũng trường đấy, học sinh đấy, hội đồng thi đấy khi thi thật đạt 99,56%.

Quả là chuyện thật như bịa. Nhà văn nào, có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không nghĩ ra con số này, tỷ lệ này. Tỷ lệ nghịch giữa thực chất yếu kém và thành tích ngất ngưởng. Nếu như ngành Giáo dục không lấy tiêu chí đỗ tốt nghiệp làm thước đo thành tích thì chẳng ai muốn làm công việc khốn khổ đầy nghiệt ngã như vậy.

Sức nặng của tảng băng chìm

Không xảy ra sự cố “Đồi Ngô”, không có hiện tượng “Đỗ Việt Khoa”, nhưng ai cũng thấy sức nặng của tảng băng “học mọi cách vì tấm bằng”. Vùng này không có “lốc xoáy” vì nhờ học, thuê học, mua bằng cả thật lẫn giả đã thành thông lệ, phổ thông mất rồi. Có một cơn lốc đơn độc nổi lên ở Đà Nẵng khi chối từ người có bằng tại chức thi tuyển công chức. Dù có phạm luật, nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng học tại chức quá kém.

Ai học tại chức? Người có chức và sắp làm chức. Họ có tiền, có quan hệ, có quyền để “mua chữ”, thậm chí không “mua” được thì “đoạt chữ”.

Nói đi thì cũng phải nói lại cho rõ. Nhiều người học thật, học có tâm, có đức đã làm nên sự nghiệp. Nói rộng ra nội hàm xã hội học tập đã cho ra thành phẩm thật, đó là những người lao động có chất lượng cao.

Có tiến sỹ, giảng viên đại học hỏi tôi khi cán bộ học tại chức xin điểm thì làm thế nào, tôi nói thẳng là không cho. Giảng viên phân vân: không cho cũng khổ cho họ mà cho thì xấu hổ nghề nghiệp “thầy” lắm. Không thể cưỡng lại một thực trạng làm bất kỳ giá nào để có tấm bằng, ít nhất là cử nhân, rồi thạc sỹ, tiến sỹ. Vì một lẽ đương nhiên: có bằng cấp là có cơ hội có chức quyền, đã có quyền ắt có lợi.

Học để đoạt chữ “quan”, giải quyết khâu “oai”, “sỹ diện” mà không có chữ Đức, chữ Tài, chữ Tâm thì trở thành sức nặng muôn thuở của tảng băng Giáo dục mà trong đó bệnh “thành tích” và “gian lận” đang ngự trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên