Dự báo chi tiết điểm chuẩn các ngành thuộc ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM 2021
VOV.VN -Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, dự báo một số ngành “hot” của trường năm trước có mức điểm từ 26 trở lên, năm nay sẽ không có nhiều biến động. Một số ngành năm 2020 có điểm chuẩn khoảng 25 điểm, năm nay sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm.
Nói về mức điểm chuẩn dự kiến của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2021, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mức điểm chuẩn chính xác, cụ thể sẽ phụ thuộc cả vào công tác xét tuyển của các trường đại học khác trong hệ thống, vào số lượng thí sinh đăng ký từng ngành, sự thay đổi nguyện vọng của thí sinh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 của thí sinh và số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường tới thời điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định một số ngành “hot” của trường năm trước đã có điểm trúng tuyển khá cao từ 26 điểm trở lên, năm nay dự kiến sẽ không có nhiều biến động do số lượng thí sinh đạt trên 26 điểm ở khu vực phía Nam không nhiều.
Cụ thể, ngành Sư phạm tiếng Anh, số lượng chỉ tiêu ít, sinh viên được miễn hoàn toàn học phí, dự kiến mức điểm chuẩn sẽ khoảng 26 điểm.
Các ngành như Ô tô, Logistics dự đoán điểm chuẩn khoảng 26,5 điểm, ngành Tự động hóa, Cơ điện tử, điểm chuẩn có thể từ 26-26,25 điểm.
Riêng ngành Công nghệ thông tin, thầy Dũng cho rằng, những thí sinh đạt từ 26,5 điểm trở lên đã có khoảng 90% cơ hội trúng tuyển, dự kiến mức điểm chuẩn ngành này năm nay sẽ không quá 27 điểm.
Với nhóm ngành thứ 2, năm 2020 có điểm trúng tuyển khoảng 25 điểm, thì năm nay điểm chuẩn có thể tăng nhẹ khoảng nửa điểm, do số lượng khí sinh đạt điểm trong phổ từ 24-25 điểm ở khu vực phía Nam là khá nhiều.
Cụ thể, PGS.TS Đỗ Văn Dũng dự báo, điểm chuẩn năm 2021 của các ngành như Kinh doanh quốc tế có thể tăng lên thành 25,5 điểm, Thương mại điện tử khoảng 25,75-26 điểm, Công nghệ kỹ thuật máy tính dự kiến điểm chuẩn từ 25,75-26 điểm, ngành Công nghệ thực phẩm khoảng 25,5-25,75 điểm, ngành Chế tạo máy dự kiến khoảng 25,5 điểm. Điểm chuẩn ngành Hệ thống nhúng và IOT có thể tăng 0,5 điểm so với năm 2020.
Nhóm thứ 3 gồm các ngành năm 2020 lấy từ 23,5-24 điểm, năm nay cũng sẽ tăng khoảng 0,5 điểm tùy từng ngành. Theo đó, điểm chuẩn của ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt dự báo khoảng 24,5 điểm, ngành Công nghệ kỹ thuật in khả năng từ 23,5-23,75 điểm, ngành Công nghệ may có ít thí sinh đăng ký, điểm chuẩn khoảng 24,5 điểm, ngành Quản lý xây dựng khoảng 24 điểm. Với ngành Quản trị nhà hàng khách sạn năm 2020 lấy 24,55, năm nay có thể tăng nhẹ thành 24,75 điểm.
Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, một số ngành thí sinh rất dễ trúng tuyển nếu đăng ký như Thiết kế thời trang, Hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ vật liệu, Công nghệ môi trường, Kỹ nghệ gỗ.
“Sở dĩ những ngành này có điểm chuẩn thấp hơn, dễ trúng tuyển do số lượng thí sinh đăng ký vào ít hơn các ngành khác, mặc dù cơ hội việc làm sau khi ra trường là rất lớn, nhưng các em còn ít tìm hiểu và đăng ký”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Ngoài ra, ngành mới mở cũng dự kiến có mức điểm chuẩn thấp, khoảng 21,5 điểm như Khai thác hạ tầng giao thông.
Với những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các chương trình chất lượng cao tiếng Việt của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có thể lấy điểm dự kiến của hệ đại trà như trên trừ đi 1 điểm để dự tính mức điểm trúng tuyển năm nay. Các ngành chất lượng cao Việt- Nhật dự kiến điểm chuẩn dao động ở khoảng 21 điểm.
Mỗi thí sinh nên đăng ký từ 10-15 nguyện vọng
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong việc đăng ký và sắp xếp các nguyện vọng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý, đợt thay đổi nguyện vọng sắp tới sẽ là cơ hội để thí sinh có thể đăng ký thêm các nguyện vọng theo phương thức trực tiếp. Mỗi thí sinh nên đăng ký từ 10-15 nguyện vọng.
“Nhiều em chủ quan thường đăng ký ít, thì nên đăng ký thêm nhiều nguyện vọng dự phòng, ngay cả khi đạt từ 24-25 điểm nhưng nếu đăng ký ít nguyện vọng và tập trung vào những ngành "hot" thì vẫn có thể trượt.
Các em nên đặt những nguyện vọng mình thích nhất, dự kiến điểm trúng tuyển cao nhất lên trên, những ngành ít thích hơn để phía sau. Bên cạnh đó, các em cần đăng ký thêm những ngành gần với ngành mình yêu thích để tăng tỷ lệ trúng tuyển. Ví dụ, thí sinh thích học ngành CNTT có thể dự phòng thêm ngành Kỹ thuật dữ liệu, hay muốn học ngành ô tô, có thể đăng ký dự phòng ngành Cơ khí, Chế tạo máy… Các em thích Chế tạo máy thì đăng ký dự phòng Kỹ nghệ gỗ. Đây là những ngành có chương trình đào tạo về cơ bản là giống nhau”, thầy Dũng lưu ý./.