Giá vé xe khách, đến dịp nghỉ lễ là… tăng?
(VOV)-Nếu cứ dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi xe cao lại tăng giá vé, trong khi giá xăng dầu, thuế phí không tăng… là ngang nhiên bắt chẹt hành khách.
Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần, những thông tin về giá vé xe khách lại “hâm nóng” dư luận. Báo Vietnamplus vừa dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, tính đến ngày 9/4, đã có 5 doanh nghiệp vận tải gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo ông Trung, giá vé xe khách được các đơn vị niêm yết tăng từ 7-27% chủ yếu trên các tuyến Hà Nội đi Tây Bắc và đi những chặng ngắn đến Ninh Bình, Nam Định. 5 đơn vị vận tải sẽ áp dụng bảng giá mới bao gồm Công ty TNHH Hưng Thành, Công ty CPVT ôtô Ninh Bình, Công ty Bảo Yến, HTX Vận tải ôtô Ninh Bình, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội.
Theo đó, các hành trình chặng Hà Nội-Sơn La sẽ tăng từ 180.000 lên 220.000 đồng/vé; Hà Nội-Hà Giang tăng từ 180.000-220.000 đồng/vé (giường nằm); Hà Nội-Lai Châu tăng từ 300.000-320.000 đồng/vé; Hà Nội-Tuyên Quang tăng từ 80.000-100.000 đồng/vé; Hà Nội-Kim Sơn (Ninh Bình) tăng từ 75.000-90.000đồng/vé; Hà Nội-Na Hang tăng từ 110.000-140.000 đồng/vé…
Thêm nữa, ông Nguyễn Hoàng Trung còn cho hay, từ nay đến dịp nghỉ lễ, bến xe vẫn không thể biết được còn doanh nghiệp nào đề xuất tăng giá vé nữa, bởi việc này nằm ngoài khả năng của bến. Ông Trung lý giải rằng, theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính có nêu rõ, doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới”.
Đây không phải là những thông tin đầu tiên về đề xuất tăng giá vé của các nhà xe dịp nghỉ lễ. Người dân đã quá quen thuộc với điệp khúc cứ dịp nghỉ lễ, tết là nhà xe lại tăng giá vé. Hàng triệu hành khách thì biết chắc là họ có nguy cơ bị “chém đẹp” mỗi khi đi xe khách dịp nghỉ lễ, tết. Thậm chí, có những chuyến xe, khách lỡ lên, đi một đoạn khá xa rồi mới biết giá vé đã tăng. Nếu khách có thắc mắc, nhà xe sẽ giải thích đơn giản “ngày lễ mà!”.
Đây là một thực tế rất vô lý, không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, nếu trong điều kiện tăng giá xăng dầu, tăng thuế phí…thậm chí “nâng đời” xe lên xịn hơn, chất lượng phục vụ tăng đột biến… để nhà xe tăng giá vé là một nhẽ. Nhưng đa số các nhà xe tăng giá vé nhằm vào mấy ngày nghỉ lễ, tết, thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, trong khi chất lượng dịch vụ không tăng, thậm chí còn giảm vì tình trạng nhồi, nhét khách… Sự vô lý của đợt tăng giá bất thường này càng hiện rõ khi sau dịp lễ, tết các nhà xe lại giảm giá vé như cũ, chí ít là “hạ nhiệt”. Tăng giá như thế là hành xử kiểu “chợ đen”, bắt chẹt khách hàng.
Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, tết, ngoài những nhà xe có đề xuất tăng giá vé công khai, có không ít nhà xe, chuyến xe tự ý tăng giá vé vô tội vạ. Tất nhiên, không ai có thể thống kê chính xác, chỉ mặt đặt tên 100% các chuyến xe đã và sẽ hành xử như thế. Nhưng không ai có thể phủ nhận được thực trạng trên vẫn đang tồn tại.
Chuyện các nhà xe đua nhau tăng giá vé xe khách vào dịp lễ, tết một cách vô lối, rõ ràng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan đến quản lý, giám sát hoạt động vận tải hành khách. Bởi dù ít hay nhiều, quyền lợi khách hàng một phần nằm trong tay các cơ quan này. Nhiều năm qua, cứ dịp lễ, tết các nhà xe lại tăng giá, mà cơ quan chức năng vẫn đồng tình là đã “quên” trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu cơ quan chức năng có trách nhiệm ở cấp nào đó, và ở đâu đó biết tăng giá như vậy là vô lý mà vẫn làm ngơ là vô trách nhiệm với dân. Họ đang tiếp tay cho các nhà xe tăng giá vô lý đó lũng đoạn thị trường vận tải hành khách.
Rõ ràng, trong khi chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về những hành vi như thế, chưa ai đứng ra đảm bảo với dân sẽ không để tái diễn, thì hành khách sẽ vẫn là người thiệt thòi nhất, vẫn sẽ bị “móc túi” công khai.
Buồn ở chỗ, nước ta đang “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, đang xây dựng một xã hội có “công bằng, dân chủ, văn minh”, và có nhiều cơ quan chức năng có đủ quyền hành để kiểm soát việc tăng, giảm giá vé xe khách.
Chẳng lẽ, hàng triệu dân vẫn phải “tự nguyện” trả giá vé xe khách “bỗng dưng lên trời” mỗi khi đi xe dịp lễ, tết?./.