Giảm môn thi tốt nghiệp THPT gắn đổi mới cách ra đề thi
VOV.VN-Đề thi phải khắc phục được tình trạng “học lệch, học tủ”; đồng thời giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Bắt đầu từ năm 2014, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ thi 4-5 môn thi theo như 2 phương án đã được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Tuy nhiên, trước 2 phương án thi mới, Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến cũng như băn khoăn, lo lắng của đông đảo các nhà khoa học, người dân, phụ huynh là nếu Bộ giảm môn thi tốt nghiệp THPT thì sẽ dẫn tới việc học sinh sẽ “học tủ, học lệch” và ảnh hưởng tới giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bắt đầu từ năm nay, học sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4-5 môn |
Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc giảm môn thi sẽ không hề gây nên những hiện tượng như trên. Giảm môn thi tốt nghiệp THPT chính là dần hướng tới đáp ứng nhu cầu chọn môn học phù hợp với khả năng của học sinh và giúp các em định hướng, tiếp cận nghề nghiệp tốt hơn. Điều này cũng là việc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để học sinh tiếp cận với đào tạo sau THPT hiệu quả hơn so với hiện nay.
Việc đánh giá học sinh không chỉ dựa vào kết quả một số môn thi tốt nghiệp mà là quá trình học tập suốt 3 năm THPT. Đây cũng là tiền đề để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, học sinh muốn được học lên ĐH, CĐ không chỉ trông chờ vào những môn thi tốt nghiệp THPT mà phải nỗ lực học tập toàn diện, đồng đều ở tất cả các môn.
Trước việc có nhiều ý kiến băn khoăn về việc khó đánh giá được năng lực học tập ở bậc THPT của thí sinh một cách khách quan, công bằng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đúng là hiện nay, việc học tập và đánh giá năng lực của học sinh chưa thực chất. Cách thức ra đề chưa phát huy được năng lực và phẩm chất của người học, mà vẫn còn nặng về việc kiểm tra xem học sinh học được số lượng kiến thức theo kiểu học thuộc lòng hay theo những mẫu bài, đề cho sẵn.
Vì vậy, việc tổ chức thi cử nghiêm túc, trung thực đang là vấn đề cấp thiết cần tiếp tục phải chấn chỉnh. Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các địa phương đề xuất cách thức thi cử chất lượng nhất. Bộ cũng đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp THPT theo kiểu sẽ có “ngân hàng” đề thi. Đề thi sẽ phải khắc phục được tình trạng “học lệch, học tủ”; đồng thời giúp học sinh hiểu kỹ được những vấn đề đã được học và có thể vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn của cuộc sống.
2 phương án thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014:
Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án 2: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.