Gian lận thi cử tại Bắc Giang- phần nổi của tảng băng trôi?

Vụ việc khiến chúng ta suy nghĩ về cuộc vận động “Hai không” và thực chất của việc giảng dạy-học tập tại các địa phương.  

Vụ gian lận thi cử tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt là khi xuất hiện bằng chứng về những sai phạm tại Hội đồng thi này, do 2 thí sinh trong phòng thi trực tiếp dùng bút camera quay lại hình ảnh tiêu cực.

Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang
Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, hiện tượng tiêu cực được phát giác này có phải chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” về tiêu cực trong thi cử, trong dạy và học hay không? Và liệu còn bao nhiêu Hội đồng thi, trường thi, địa phương khác có gian lận thi cử như trên mà chưa được phát hiện, phanh phui?

Mặc dù vụ việc ở Bắc Giang đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra nhưng chúng ta không khỏi trăn trở là tại sao những tiêu cực, gian lận trong thi cử vẫn chưa có liều thuốc hữu hiệu để chữa trị tận gốc.

Trước tiên phải nói, để xảy ra vụ việc đáng lên án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô là do yếu kém trong khâu tổ chức thi. Đặc biệt năm nay là lần đầu tiên, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) giao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức coi thi, chấm thi, thanh tra và giám sát thi.

Những năm trước, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo cụm, chấm chéo, có thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT xuống các địa phương kiểm tra. Tuy nhiên, năm nay, theo cải tiến thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT đưa ra, mọi khâu tổ chức thi đều do Sở GD-ĐT các tỉnh chủ động và tự chịu trách nhiệm.

Sai phạm trong thi cử tại Bắc Giang đang đặt câu hỏi là liệu phải có thanh tra Bộ tại các điểm thi, có sự chỉ đạo cấp Nhà nước thì mọi việc sẽ nề nếp, hiệu quả hơn? Qua vụ việc này, ngành GD sẽ rút ra bài học gì trong công tác tổ chức thi và giao quyền cho Sở GD-ĐT các tỉnh chấm thi?

Cuộc vận động “Hai không” chỉ là hình thức?

Vụ việc tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang như là lời nhắc nhở ngành GD cần nhìn lại cuộc vận động “Hai không” thực hiện đến đâu, liệu có hiệu quả hay không.

 

Hình ảnh gian lận thi cử tại hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua (Ảnh: lấy từ clip)
Cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động từ năm 2006 sau khi những sai phạm, tiêu cực tại Hội đồng thi Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) do thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ) đã quay phim, ghi lại.

Được biết, sau thầy Khoa, có nhiều giáo viên đã mạnh dạn tố giác tiêu cực trong thi cử như thầy giáo Lê Đình Hoàng (trường THPT Bán công Thanh Chương, Nghệ An) ghi lại cảnh phòng thi nhốn nháo như họp chợ, học sinh ngồi túm tụm, bàn tán râm ran tại hội đồng thi Nam Đàn 2, tỉnh Nghệ An năm 2006…

Những hành động gian lận trong thi cử đã được nhiều thầy giáo, học sinh mạnh dạn ghi lại và công khai trước dư luận đã chứng tỏ họ rất bức xúc với vấn nạn tiêu cực mỗi khi mùa thi đến. Thực trạng đáng buồn này phải chăng phản ánh một điều là các địa phương vẫn chạy theo “bệnh thành tích” để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, mang danh tiếng cho trường?

Còn nhớ, một số địa phương có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2010 và những năm trước đó rất thấp thì đến năm 2011 lại bật tăng mạnh ngoài sức tưởng tượng, đã khiến báo chí tốn không ít giấy bút bình luận về sự “khác lạ” này.

Sự việc trên khiến chúng ta một lần nữa suy nghĩ đến thực trạng đáng buồn là những địa phương với chất lượng giảng dạy, học tập kém nhưng lại muốn có bằng khen, sự tuyên dương từ cấp cao hơn về thành tích dạy tốt-học giỏi. Và nếu quả thực tình trạng này vẫn còn tồn tại thì liệu cuộc vận động “Hai không” ra đời và tồn tại đến nay đã 7 năm có tác dụng gì, hay chỉ là hình thức mà thôi?!

Việc tổ chức thi cử để đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập cũng như tìm kiếm người tài đã có từ hàng nghìn năm nay và chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực của mỗi kỳ thi, đợt thi. Tuy nhiên, với một kỳ thi mang tầm quốc gia, tốn không ít thời gian và tiền bạc như kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết quả không thực chất thì có nên tổ chức hay không? Khi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa nơi này với nơi kia, giữa học sinh giỏi và yếu kém lại xấp xỉ như nhau?

Trong những sai phạm về thi cử, chúng ta không chỉ nói đến các địa phương, thầy cô giáo mà cũng phải nhắc đến các em học sinh lười biếng nhưng lại muốn có kết quả “đẹp”, học giả nhưng lại muốn có chiếc bằng thật nên mới sẵn sàng bỏ tiền ra để được “chép bài thoải mái”, nhờ người ném bài vào phòng thi…

Nếu trách các em 1 phần thì hãy trách những người giảng dạy, sinh thành ra các em 10 phần. Bởi vì họ đã ảo tưởng, hy vọng quá nhiều về con cái mình mà ít khi dành thời gian “làm bạn cùng con” để tìm hiểu xem các em có khả năng, trình độ thực chất đến đâu, cũng như có thể tư vấn cho con em mình nên tiếp tục học lên bậc cao hơn hay chọn lựa nghiệp phù hợp với khả năng.

Thiết nghĩ, nếu biết phấn đấu, nghiêm túc trong học tập, thi cử và nhận thức rõ năng lực của mình đến đâu thì có lẽ các em sẽ biết “ngồi đúng chỗ” và hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ dần dần được khắc phục./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên