Giáo viên dự đoán phổ điểm trung bình môn Hóa chỉ từ 5-7,5
VOV.VN -Đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học, nhiều giáo viên cho rằng đề có độ phân hóa cao, thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối.
Cô Vũ Thị Thu Hà, Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa năm nay có cấu trúc bám sát đề thi minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản. Ma trận đề đảm bảo bốn cấp độ: 20 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu, 10 câu vận dụng trong đó có 3 câu vận dụng cao. So với đề năm ngoái, đề năm nay nhẹ nhàng hơn đúng với tinh thần của kỳ thi tốt nghiệp, nhiều câu hỏi về thí nghiệm thực hành hay.
Đề thi có sự phân hóa rõ, 30 câu đầu, học sinh hoàn toàn có khả năng làm được nếu chăm chỉ, những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải thực sự vững vàng kiến thức cũng như phải có kỹ năng tính toán tốt. Ví dụ, bài toán về muối ngậm nước là bài toán khá lạ, học sinh không có sẵn công thức muối để thử, nên việc tính toán sẽ khó khăn hơn.
Có 3 câu hỏi liên quan đến kiến thức thực tế và môi trường, là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Và 2 câu hỏi về thí nghiệm thực hành, yêu cầu học sinh phải có kỹ năng thực hành tương đối tốt mới làm được.
Dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình từ 5 -7,5 điểm, có độ phân hóa cao đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Cô Nguyễn Thị Tùng Diệp, giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, để đạt được 9 điểm đề thi Hóa năm nay là không dễ.
Cô Diệp phân tích, về cấu trúc, đề thi giữ nguyên tỉ lệ câu hỏi lý thuyết/bài tập là 30/10 so với đề minh họa lần 2 năm 2020. Độ khó giảm so với đề thi THPT quốc gia năm 2019.
Cụ thể là tăng số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, giảm số lượng câu hỏi thiên về tính toán phức tạp ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (29 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu/8 câu ở mức độ vận dụng /3 câu ở mức độ vận dụng cao), phù hợp với tiêu chí xét tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT.
Đề thi không xuất hiện các bài liên quan đến điện phân, đồ thị, hình vẽ nhưng có câu hỏi gắn với thí nghiệm thực hành để đánh giá năng lực thực hành thí nghiệm của học sinh trong quá trình học tập.
Trong mã đề 224, câu số 73 liên quan đến muối ngậm nước là một câu hỏi “lạ” với nhiều học sinh. Đây cũng là một trong những câu dùng để phân loại học sinh.
Dự đoán, với đề thi này, học sinh trung bình nắm được kiến thức cơ bản có thể dễ dàng đạt được mức điểm 5-5,5; học sinh giỏi có thể đạt được mức điểm 8-9; tuy nhiên để đạt điểm trên 9 là không dễ dàng./.