GS Ngô Bảo Châu, Bác sĩ Lân Hiếu chia sẻ lý do chọn nghề
VOV.VN - Khi bắt đầu chọn nghề, GS Ngô Bảo Châu đã học cắt tóc, KTS Hoàng Thúc Hào bị “ép” đến với nghề kiến trúc, BS Nguyễn Lân Hiếu chọn nghề vì..bát phở...
Để tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn nghề nghiệp giữa học sinh và phụ huynh không phải là điều dễ dàng. Hiểu được điều này, mới đây, GS Ngô Bảo Châu cùng các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của bản thân khi chọn nghề trong buổi tọa đàm “Cùng con định hướng tương lai”.
GS Ngô Bảo Châu: “Tôi đã chọn nghề cắt tóc”
Trong buổi tọa đàm, GS Ngô Bảo Châu kể, khi còn học tại trường THCS Trưng Vương, các thầy cô rất chú ý đến việc hướng nghiệp cho học sinh. Nhưng thời bấy giờ, học sinh không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Các bạn nữ có thể chọn đan rổ hoặc bít tất, các bạn nam chọn cắt tóc hoặc sửa dây đàn.
GS Ngô Bảo Châu và các diễn giả chia sẻ về câu chuyện chọn nghề. |
Lúc đó GS Châu đã chọn nghề cắt tóc thay vì sửa dây đàn. Dù sau cùng, 6 học sinh chọn nghề cắt tóc đã “lao vào” cắt trụi tóc cho nhau, nhưng theo GS Châu, điều quan trọng nhất là được trải nghiệm thực tế nghề đó như thế nào.
KTS Hoàng Thúc Hào –KTS đầu tiên của Việt Nam giành được Giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016 - cho hay vì là “con nhà nòi” nên ngay từ cuối năm lớp 11, bố anh đã hướng anh thi vào ngành Kiến trúc của ĐH Xây dựng. “Thế là hàng ngày, tôi được nhốt trong nhà để bắt đầu vẽ từ quả cam”. Chính từ sự “cưỡng ép” của cha, cậu bé Hoàng Thúc Hào đã dần yêu nghề kiến trúc và trở thành Kiến trúc sư nổi tiếng Châu Á với triết lý kiến trúc hạnh phúc cho cộng đồng.
Còn PGS. Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, con trai GS Nguyễn Lân Dũng lại không theo nghiệp của bố mà quyết định trở thành bác sỹ vì … được ăn phở miễn phí. Niềm yêu thích nghề Y đến với cậu bé Hiếu từ những lần được cầm trên tay tờ phiếu ăn phở miễn phí khi được theo mẹ đi trực ở bệnh viện. “Cảm giác đến cầm phiếu đi ăn phở rất sung sướng. Khiến tôi có một suy nghĩ đơn giản là cứ làm tốt nghề này ắt sẽ có phở ăn”, bác sỹ Hiếu kể.
Còn nhà giáo Đàm Hiếu Chiến, người thầy của GS Ngô Bảo Châu từng cảm thấy bất công và khó nhọc khi bước chân vào nghề sư phạm với sự định hướng của bố. Nhưng rồi khi bước vào nghề, ông dần trưởng thành, và ngày càng đam mê với công việc đứng trên bục giảng.
“Con hãy chọn nghề sư phạm và bất kể ở lĩnh vực nào con hãy cứ làm tốt đi thì con sẽ thấy đời sẽ không bất công với con. Và đến bây giờ tôi thấy đúng, ngành sư phạm đã cho tôi tất cả”, nhà giáo Đàm Hiếu Chiến chia sẻ.
Qua chia sẻ những câu chuyện của bản thân, các diễn giả đều cho rằng trong việc lựa chọn nghề nghiệp bố mẹ có một vai trò quan trọng, mang tính định hướng cho con. Nhưng việc định hướng thế nào để con chọn nghề phù hợp lại không phải là chuyện dễ.
Chọn nghề - nên đối thoại từ sớm
Theo nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang, những thống kê về việc lựa chọn nghề của học sinh trên thế giới cho thấy một phần lớn chịu ảnh hưởng từ cha mẹ.
Nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang cho rằng việc chọn nghề của con cái chịu rất nhiều ảnh hưởng từ bố mẹ. |
“Cha mẹ là những người gần nhất với con cái và ảnh hưởng từ nghề nghiệp của cha mẹ là việc rõ ràng nhất. Một số không nhỏ ảnh hưởng bởi truyền thông cụ thể qua phim ảnh với các nghề như luật sư, bác sĩ, phi công… Điều này vô hình chung ảnh hưởng suy nghĩ và lựa chọn về nghề nghiệp của các con, bắt đầu từ việc chọn ngành học tại các trường đại học”.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, trong việc hướng nghiệp, để con đi đúng hướng, chọn được nghề phù hợp có thể phát huy hết năng lực của mình, bố mẹ cần phải ngồi lại, đối thoại với con để tìm ra đáp án khả thi nhất.
“Cha mẹ luôn muốn con ngoan, không hư hỏng, trường ĐH tốt cho con mà ít chú ý đến khả năng của các cháu. Các cháu có tâm tư thì cần tôn trọng tâm tư của các cháu. Câu chuyện đó không phải ai đúng ai sai mà là cuộc đối thoại cần thời gian giữa bố mẹ và con cái” – GS. Châu nói.
Ngoài ra GS Châu cũng cho rằng để có định hướng nghề nghiệp tốt trước tiên bố mẹ phải lắng nghe sở thích, nguyện vọng của các con. Thứ hai là phải giúp các cháu gặp gỡ, trò chuyện với những người trong ngành có lòng yêu nghề, tài năng, có ước muốn chia sẻ và truyền lại lòng yêu nghề cho các cháu.
Cuối cùng và quan trọng nhất là nhà trường và gia đình tạo môi trường tăng cơ hội cọ xát, thử nghiệm/trải nghiệm nghề nghiệp mơ ước để các cháu có hình dung đúng hơn như thế nào là nghề kiến trúc, như nào là nghề nhà giáo, như thế nào là nghề bác sĩ…
Qua trải nghiệm, cháu có thể nhận thấy đó là nghề không phù hợp với mình nhưng cũng có thể cảm thấy tuyệt vời, được cuốn hút bởi cá tính, lòng yêu nghề và muốn theo đuổi thực sự. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đó chính là cách hướng nghiệp tốt - hướng nghiệp từ sự kết nối giữa con người với nhau.
Còn KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết, trên cơ sở thống kê mà ông có được thì tỷ lệ cha mẹ đối thoại với con cái về lựa chọn nghề nghiệp rất ít. Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng con họ đang đứng trước ngã 5 đường trong việc chọn nghề. Do đó, bố mẹ không nên hướng nghiệp quá sâu. “Bản thân tôi cũng có con trai 13 tuổi. Khi con tôi tuyên bố rằng sẽ trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp, tôi không phản đối mà chỉ đưa ra cho con những thách thức và thuận lợi khi đi theo nghề này”, KTS Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ.
Nhiều ngành được dự báo sẽ khát nhân lực trong những năm tới
Kiến trúc sư Huỳnh Thúc Hào cũng cho rằng, dù bố mẹ có muốn con trở thành ai trong tương lai thì quan trọng nhất là ước muốn của mình trở thành quyết định của con chứ không phải quyết định của bố mẹ. Đôi khi việc các con chọn sai nghề, ở một góc độ nào đó chưa hẳn là điều xấu. Các con tốn một khoảng thời gian cho công việc đó, đồng nghĩa sẽ hiểu hơn về nghề đó và có thể tự tìm ra điều mình thực sự muốn là gì.
Trong câu chuyện về hướng nghiệp, các diễn giả khuyên rằng, khi lựa chọn nghề nghiệp, không nên chỉ tập trung vào những mặt tốt của công việc đó, mà bố mẹ cũng cần chỉ ra cho con cái thấy những góc khuất sau nghề để các em cân nhắc khi lựa chọn./.
.