Hát Quốc ca để nhân lên niềm tự hào dân tộc

Hát Quốc ca không đơn thuần là một nét sinh hoạt truyền thống trong nhà trường, mà còn thể hiện tinh thần tự tôn, nhân lên niềm tự hào dân tộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, yêu cầu tất cả giáo viên, học sinh, sinh viên hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc và khuyến khích các trường mầm non dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca. Đây là việc làm cần thiết và cấp thiết nhằm giáo dục truyền thống cho lớp trẻ, ngay từ bậc học nhỏ nhất là mầm non.

Ở các trường học, chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần là một nghi thức không thể thiếu. Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, cho biết: Mùa hè, cũng như mùa đông, trường luôn duy trì tốt việc chào cờ và học sinh hát Quốc ca. Trường đã thành lập Đội Nghi thức, có Liên đội trưởng lên điều khiển theo đúng nghi thức trang trọng của buổi lễ. Lồng trong buổi lễ chào cờ là những nội dung sinh hoạt theo chủ đề từng tháng để học sinh biết những sự kiện chính trị, văn hóa lớn của Thủ đô, của đất nước. Chào cờ đầu tuần cũng là dịp để các thầy giáo, cô giáo nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm trong tuần qua của từng lớp và toàn trường, thông báo kế hoạch tuần tiếp theo làm gì.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết nói: “Khi tổ chức chào cờ, các em học sinh hát, nếu có thể thì thêm nhạc đệm. Nếu các em tự hát, các em sẽ nhập tâm hơn là các em chỉ nghe trên băng đài. Tự các em hát trong buổi lễ chào cờ còn tạo một không khí trang nghiêm cho các buổi chào cờ”.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, dạy Quốc ca, giáo dục ý thức tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cho học sinh ngay từ bậc học mầm non, tiểu học là hết sức cần thiết. Nhiều học sinh cho biết, các em rất thích giai điệu hùng tráng của bài Quốc ca. Em Nguyễn Hương Ly, học sinh trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói: “Trường em có tổ chức hát Quốc ca mỗi giờ chào cờ đầu tuần. Vì mỗi lần hát Quốc ca, em tưởng nhớ về những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Em tự nhủ rằng mình phải học tập tốt để xứng danh với sự hy sinh của cha ông để có được nền độc lập hôm nay”.

Điều quan trọng là không được tổ chức chào cờ và hát Quốc ca một cách hình thức, cần tập cho học sinh thuộc lời. Hà Anh, một học sinh THCS phân trần: “Em không hát nhiều nên cũng không thuộc lắm. Em chỉ nghe hát lúc chào cờ. Còn các giờ sinh hoạt khác không hát Quốc ca. Có một số bạn cũng không thuộc”.

Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nền nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo qui định: Khuyến khích các trường mầm non dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca. Trong các lễ Chào cờ Tổ quốc, tất cả giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát các trường thực hiện, các trường phải báo cáo về Bộ tình hình thực hiện sau 1 tháng.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Các Sở cử cán bộ đến theo dõi và chỉ đạo trực tiếp tại các trường. Hàng tháng, các trường báo về sở để sở báo cáo hoạt động tình hình triển khai về Bộ. Bộ cũng sẽ cử các đoàn để xuống thăm và kiểm tra việc thực hiện ở các nhà trường. Trước khi kết thúc năm học nhà trường cũng phải có báo cáo. Sau 1 tháng triển khai quy định này, sẽ có báo cáo sơ bộ đầu tiên của các trường và các cơ sở giáo dục”.

Để con em mình thuộc và hát Quốc ca với tất cả tấm lòng trân trọng, các bậc phụ huynh, các thầy giáo và cô giáo cũng phải hát Quốc ca. Chúng ta đã từng chứng kiến 4 vạn khán giả ở sân Mỹ Đình Hà Nội hát Quốc ca. Rất mong từ nay, trong các buổi lễ lớn, các đại biểu cũng sẽ hát Quốc ca./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên