Hiểu biết để tránh rước hoạ vào thân!
Người dân có thói quen tự điều trị hoặc nhờ cậy những cơ sở khám chữa bệnh không tin cậy, nên đã vô tình “rước hoạ vào thân”
Mới đây các phương tiện truyền thông đưa một thông tin làm rúng động dư luận xã hội và gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, căn bệnh thế kỷ. Tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre vừa có 12 người dương tính với HIV. Chỉ trong một ấp nhỏ, ở một miền quê vốn thanh bình, trong một thời gian ngắn mà kết quả xét nghiệm HIV cho thấy một số lượng lớn người dương tính như vậy, thì đó là một thông tin “động trời”.
Điều đáng lưu ý là cả 12 bệnh nhân này đều là nam giới và ngụ chung 1 ấp. Trong đó có một gia đình có đến 5 người có kết quả dương tính, bao gồm: ông chủ gia đình, 2 con ông, 1 người là anh em chú bác và 1 người cháu.
Sổ y bạ và thuốc của một bệnh nhân khám ở cơ sở của y sĩ Đỗ Văn Bé (Ảnh: DT) |
Được biết, những người dân này xưa nay vốn chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống, không hề vướng vào các tệ nạn xã hội. Các bệnh nhân này cho biết, họ đều từng khám bệnh, tiêm thuốc tại nhà ông Đỗ Văn Bé - một y sĩ đã về hưu và không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh tại địa phương.
Y sĩ Đỗ Văn Bé nguyên là cán bộ Đội vệ sinh phòng dịch thuộc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam. Khi về hưu, dù không có giấy phép hành nghề nhưng ông tổ chức khám chữa bệnh tại địa phương. Trước đó, Thanh tra Sở Y tế Bến Tre đã có quyết định xử phạt ông Đỗ Văn Bé số tiền 12,5 triệu đồng vì “hành nghề khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề”.
Sự việc vừa xảy ra ở một ấp nhỏ gióng lên hồi chuông cảnh báo về 2 vấn đề: Một là tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các làng ấp nhỏ, vẫn tồn tại hiện tượng các “y sĩ”, “y tá” hành nghề không phép, không có chứng chỉ hành nghề. Bà con nhân dân mắc bệnh vốn hay tự “điều trị” hoặc nhờ cậy những cơ sở chữa bệnh không đáng tin cậy như vậy, vô tình đã chuốc hoạ vào thân.
Vấn đề thứ 2 đặt ra là, mặc dù đã từ lâu các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về nguy cơ và các nguyên nhân lây nhiễm căn bệnh thế kỷ, nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ, và vẫn chủ quan, khi dùng chung bơm kim tiêm. Thêm một lần nữa, chúng ta càng hiểu thêm về nguy cơ “HIV/AIDS không chừa riêng ai”. Mỗi người đều cần có kiến thức và biện pháp để phòng ngừa cho bản thân và cho cộng đồng./.