Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về an toàn đồ chơi cho trẻ
(VOV) -Hiệu trưởng các trường mầm non phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, và an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ dùng, đồ chơi…
Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn mua sắm, tự làm, sử dụng và bảo quản thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non.
Theo đó, danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu; trên cơ sở kế hoạch mua sắm đã được lập, các cơ sở giáo dục mầm non đề xuất việc mua sắm, tự làm, sưu tầm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học, đảm bảo số lượng, chất lượng, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.
Trẻ vui chơi với đồ chơi tự làm (Ảnh: KT) |
Đảm bảo mỗi nhóm lớp đủ số lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; ưu tiên mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ 1 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu. Đồ chơi ngoài trời có thể lựa chọn chủng loại, số lượng phù hợp, chuẩn bị đủ các điều kiện lắp đặt tùy thuộc vào từng chủng loại thiết bị, đồ chơi để đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện, đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phải đảm bảo các qui định hiện hành của Nhà nước.
Công văn cũng quy định, đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học sản xuất trong nước: trên sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo...) và chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em của sản phẩm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhập khẩu: trên sản phẩm phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo... bằng tiếng Việt); đơn vị nhập khẩu và chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non cần tổ chức tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc tổ chức mua sắm thiết bị dạy học cần thực hiện theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng các trường mầm non phải tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, hiệu quả và an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tại đơn vị mình.
Kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được cân đối từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục của địa phương; kinh phí hợp pháp khác và huy động từ xã hội.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được lấy từ nguồn thu của đơn vị và cân đối từ nguồn kinh phí hợp pháp khác./.