Dùng điện thoại di động với mục đích xấu:

Học sinh có thể bị buộc thôi học

Phụ huynh chỉ nên mua cho con điện thoại bình thường để liên lạc, không nên sắm điện thoại 3G, 4G sẽ kích thích sự hiếu kỳ của các em.

Thời gian gần đây, một số học sinh đã dùng điện thoại di động vào mục đích xấu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bạn bè, nhà trường, gia đình… gây nhức nhối trong xã hội. Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng này…?

Trào lưu mới

Một phụ huynh có con học ở trường THCS Trưng Vương, Hà Nội cho rằng: “Việc cho con sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) là nhu cầu thiết thân của các phụ huynh để quản lý con cái. Tuy nhiên, việc các con sử dụng điện thoại như thế nào và ở đâu là khó giám sát. Mặc dù các cô giáo, phụ huynh nhắc nhở nhưng không ít cháu dùng điện thoại để chơi điện tử, thậm chí nhắn tin yêu đương, hẹn hò, quay phim...”.

Hiện nay, việc học sinh (HS) sử dụng ĐTDĐ đã trở thành một trào lưu và tiện ích trong thông tin liên lạc là không thể phủ nhận. Song, việc HS sử dụng ĐTDĐ cũng bộc lộ không ít hệ luỵ, bất cập. Một bộ phận các em coi ĐTDĐ là cách để thể hiện đẳng cấp và sự sành điệu.

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội nêu: “Nhà trường sẽ có biện pháp xử lý vấn đề này, nhưng thực tế nhiều phụ huynh chiều con nên cho con sử dụng điện thoại rất đắt tiền, với nhiều chức năng hiện đại như: ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lướt web... Phụ huynh chỉ nên mua cho con điện thoại bình thường với mục đích thông tin, chứ không nên sắm điện thoại 3G, 4G tràn lan như hiện nay sẽ kích thích sự hiếu kỳ và tò mò của các em”.

Mới đây, hàng loạt vụ ẩu đả được một vài HS quay lại và phát tán trên mạng từ những chiếc ĐTDĐ hiện đại. Có thể nói, làn sóng sưu tầm, phát tán phim ảnh có nội dung “nóng”, thậm chí là đồi truỵ qua ĐTDĐ đang lan truyền trong các trường, gây những tác động tiêu cực tới nhận thức, đạo đức của một bộ phận HS.

Học sinh có thể bị buộc thôi học khi sử dụng ĐTDĐ vào mục đích xấu (ảnh: GDTĐ)

Cần có cơ chế giám sát, chế tài xử lý

Một phụ huynh của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: Hiện nay, nhà trường đã thực hiện quy định HS phải làm đơn đăng ký sử dụng số điện thoại, có chữ ký của phụ huynh. Đơn đăng ký phải được giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu chấp nhận. Có quy định, trong giờ học, điện thoại phải ở chế độ yên lặng và cất trong cặp. HS chỉ được sử dụng ngoài giờ học, giờ giải lao. Nếu HS vi phạm sẽ bị xử lý lập biên bản và thu giữ điện thoại trong một học kỳ. Ngoài ra, nếu HS dùng điện thoại để tải nội dung xấu, quay chụp lại hình ảnh thiếu lành mạnh sẽ bị xử lý ngay, nếu nghiêm trọng sẽ đưa ra pháp luật xử lý. Sau một học kỳ triển khai, những quy định này đã tỏ ra có tác dụng rõ rệt đối với HS.

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị để thảo luận về kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý sử dụng ĐTDĐ trong và ngoài nhà trường. Các ý kiến đều nhất trí rằng: HS tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường. Ngoài các giờ này, HS không được sử dụng ĐTDĐ vào những việc như gọi điện, nhắn tin cho bạn bè, người thân có nội dung xấu, ghi lại hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng… HS vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật như phê bình, khiển trách, cảnh cáo hạ hạnh kiểm, ghi vào học bạ, đình chỉ học tập có thời hạn.

Các bên liên quan cũng khuyến cáo: các bậc phụ huynh cần xem xét lại việc mua sắm ĐTDĐ cho con em mình; Chủ động có biện pháp quản lý, giáo dục, nhắc nhở các em sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích. Phụ huynh phải chịu trách nhiệm với nhà trường và xã hội khi con em mình sử dụng ĐTDĐ vào mục đích xấu. Nhà trường cùng với việc tuyên truyền thì phải có quy định, chế tài xử phạt nghiêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên