Học sinh đồng tính bị kỳ thị, nói xấu, cô lập tại trường học
VOV.VN -Nhiều học sinh đồng tính, song tính, chuyển giới cho biết từng chịu bạo lực như bị nói xấu, kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc cô lập trong trường.
Bạo lực học đường nói chung, trong đó có đối tượng học sinh đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), đã và đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội.
Kết quả cuộc khảo sát toàn cầu về sức khỏe học sinh thực hiện tại Việt Nam năm 2013 cho thấy: 26,1% học sinh lứa tuổi 13 – 15 và 23,4% học sinh lứa tuổi 13 – 17 đã từng bị bắt nạt một hoặc nhiều lần trong vòng 30 ngày gần nhất tính đến thời gian khảo sát.
Tư vấn phòng ngừa bạo lực giới liên quan đến học sinh đồng tính rất quan trọng (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của đường dây nóng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bạo lực học đường năm 2012 đã tăng 13 lần so với 10 năm trước. Cả học sinh nam và nữ đều phải hứng chịu những hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực của việc bắt nạt và bạo lực với các biểu hiện, mức độ khác nhau.
Đối với học sinh LGBT, theo một cuộc điều tra do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tiến hành với 520 người đồng tính, song tính và chuyển giới cho thấy, khoảng 41% trong số này phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và bạo lực ở nhà trường phổ thông hoặc đại học.
Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của Bộ GD-ĐT và UNESCO về bạo lực trên cơ sở giới liên quan đến nhà trường tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng cho thấy một bộ phận học sinh vẫn coi việc trêu chọc, bắt nạt các bạn LGBT là “trò đùa vô hại” (19% đồng ý). Hầu hết các em LGBT tham gia phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đều trả lời mình đã từng ít nhất một lần bị bạo lực về mặt tinh thần trong nhà trường như bị nói xấu, kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc cô lập.
Tư vấn phòng ngừa quan trong hơn can thiệp
Nhóm nghiên cứu gồm PGS. TS. Trần Huy Hoàng, Bùi Thanh Xuân (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và Vũ Kiều Châu Loan (Tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính) cho biết, trong nhà trường vẫn tồn tại sự hiểu lầm về sự đa dạng giới và LGBT khiến cộng đồng, kể cả cả giáo viên, cán bộ nhà trường, học sinh có thái độ, nhận thức sai lệch về LGBT.
Những hiểu lầm thông thường là: “chỉ cần nhìn bề ngoài là biết được ai đồng tính, ai chuyển giới”, “LGBT là những người không bình thường, lệch lạc về hành vi, thậm chí là bệnh không thể chữa khỏi do gien di truyền hoặc do lây nhiễm từ bạn bè”, “mấy người đồng tính, chuyển giới trông ai cũng khác người, nên việc họ có bị trêu chọc, bắt nạt cũng là điều dễ hiểu và có thể thông cảm”…
Bà Vũ Kiều Châu Loan khẳng định, dù một người tự công khai là LGBT hay được xung quanh gọi là LGBT đều có thể phải đối mặt với một hay nhiều hình thức phân biệt đối xử, kỳ thị hoặc bạo lực nhất định. Do đó, việc tư vấn phòng ngừa là hết sức quan trọng.
Điều này đòi hỏi cán bộ, giáo viên – những người làm công tác tư vấn tâm lý có những hiểu biết, kỹ năng và thái độ phù hợp để có khả năng nhận diện, đánh giá đúng các tình huống, nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới và có hướng can thiệp kịp thời, hiệu quả đối với cả học sinh là nạn nhân cũng như người gây ra bạo lực.
Bà Vũ Kiều Châu Loan đề xuất, xã hội cần xóa bỏ những hiểu lầm và nhận thức sai lệch về học sinh LGBT. Đối với nhà trường, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về các vấn đề giới, giới tính, đa dạng giới; xây dựng các nội dung tư vấn tâm lý phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đa dạng hóa các loại hình tư vấn…
Nhấn mạnh vai trò tư vấn tâm lý, bà Vũ Kiều Châu Loan khẳng định, nhà tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà trường cảnh báo, phát hiện vấn đề, đặc biệt là đề xuất, thực hiện các can thiệp khi tình huống bạo lực xảy ra./.