Học sinh run người trong lớp học trên vùng núi Lai Châu
VOV.VN -
Trong các phòng học vách nứa trống huếch, trống hoác..., các em học sinh rét run người ngồi nghe thầy cô giảng bài.
Trong các phòng học vách nứa trống huếch, trống hoác..., các em học sinh rét run người ngồi nghe thầy cô giảng bài.
Hơn 5 năm nay, gần 50 học sinh vùng đồng bào di dân tái định cư thủy điện Bản Chát ở điểm trường Lán Min, trường tiểu học xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hết cảnh phải học tạm bợ dưới gầm sàn, nay lại phải học ở lớp học tạm hết sức khó khăn. Các phòng học trống huếch, trống hoác, đồ dùng cũ kỹ, ọp ẹp... Mỗi phòng đều có hai lớp học ghép, nên việc dạy và học khó khăn gấp bội.
Khó có thể hình dung một điểm trường- nơi dạy và học của gần 50 học sinh và các giáo viên ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lại chỉ có ba gian nhà vách nứa. Điểm trường có 5 lớp học thì 4 lớp phải học ghép. Một lớp có hai dãy bàn học, bên này là lớp 4, bên kia là học sinh lớp 3. Việc học của các em theo đó cũng gặp nhiều trở ngại, khó tập trung.
Cô giáo Dương Thị Hương, điểm trường Lán Min, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: "Dạy lớp ghép thì lớp này học Toán, lớp kia học Tiếng Việt. Hai lớp như thế thường rất ồn, có khi phải nhắc các em đọc nhỏ cho lớp bên kia còn học. Học sinh khó tập trung học".
Phòng học ghép của lớp 1-2, tình trạng cũng tương tự. Gần 20 học sinh trong một lớp học tuềnh toàng. Một thầy phụ trách hai lớp cùng lúc, khó khăn để truyền đạt kiến thức cho hai thế hệ học sinh.
Thầy giáo Bàng Văn Nhất, điểm trường Lán Min cho biết, các em điều kiện quần áo, giày dép cũng chưa có đầy đủ. Trong lớp học vách nứa, các em rét run, viết chữ không đảm bảo.
Câu chuyện vượt khó của thày và trò từ những lớp học tạm, lớp học ghép như ở điểm trường Lán Min, rất đáng khâm phục. Ở đây, chỉ có những nét chữ rắn rỏi và những phép tính chính xác là nguồn động viên cho các thầy, các cô./.