Học sinh xé đề cương sử: Lỗi tại ai?

(VOV) -Việc các học sinh tại TP HCM xé đề cương lịch sử khi biết thông tin không thi môn này đã làm nhiều người phải đau lòng!

Khi Bộ Giáo dục-Đào tạo thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn hò trên mạng cùng đồng loạt xé đề cương môn này. Hành động của các học sinh là rất đáng trách, nhưng qua đó cũng có quá nhiều điều cần suy ngẫm.

Hình ảnh này có khiến những người làm giáo dục phải suy ngẫm (ảnh từ clip)

Giải thích cho hành động này của các học sinh tại TP HCM, một vị PSG sử học cho rằng, khi xã hội gióng lên những cảnh báo về môn sử, các học sinh bị đặt vào tư thế sẵn sàng học và thi lịch sử một cách ép buộc, một môn mà các em không hề thích thú. Khi có được thông tin chính thức rằng thi tốt nghiệp sẽ không có môn lịch sử, các em cảm thấy bị mất công khi đã mất quá nhiều thời gian để ôn thi và hành động này thể hiện điều đó. Ông cũng cho biết, ở các nền giáo dục hiện đại, môn sử được đặt ngang với các môn chính khác (toán, văn, ngoại ngữ…) và là môn thi bắt buộc. Vậy nên chăng, bộ GDĐT cũng nên đặt môn sử là môn thi bắt buộc ngay từ đầu?

Còn theo ý kiến của một bạn đọc thì đây là hậu quả nặng nề của việc xem nặng thành tích, xem nhẹ chất lượng cốt lõi bên trong của sự học. Học sinh thời nay đi học vì bị ép học chứ không học vì ham học, đam mê tìm hiểu kiến thức. Chính vì vậy khi "thoát" được 1 môn hay "qua" được 1 môn là các em "vứt ngay".

Lịch sử là một tài sản vô giá mà ông cha để lại và nó là một hành trang không thể thiếu trong quá trình phát triển của con người. Tuy nhiên khi mà khoa học lịch sử có ít tiếng nói trong cuộc sống hiện đại, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi Sử ít đi thì môn Sử vô tình trở thành một sức ép nặng nề cho học sinh.

Trong các kỳ thi trong nhiều năm vừa qua, môn Lịch sử luôn là môn các học sinh rất sợ và kết quả của các em là rất kém. Môn Sử luôn tạo ra những cú sốc, những dư chấn xã hội với hàng ngàn điểm 0 với những câu trả lời ngô nghê của học sinh, những người nắm vận mệnh tương lai của đất nước.

Hiểu được lịch sử, biết được lịch sử mới có thể tự hào về dân tộc, tổ quốc mình. Coi nhẹ môn lịch sử thì không có nhận thức về truyền thống dân tộc và từ đó ý thức chính trị trong giới trẻ cũng mất đi.

Hành động của các em học sinh tại TP HCM khi xé đề cương môn Sử là đáng trách, là quay lưng lại với những gì cha ông để lại. Tuy nhiên đó cũng là lỗi của chính những người làm giáo dục. Trong một xã hội hiện đại, các em học sinh dựa vào Internet với câu cửa miệng “cái gì không biết thì tra google”. Thực tế phải công nhận rằng, việc tra mạng này dễ dàng hơn nhiều lần so với việc học thuộc lòng giáo trình lịch sử nhàm chán đầy số liệu như hiện nay. Vậy để các em không còn phải chịu áp lực học môn Sử, phải chăng, những nhà làm giáo dục nên thay đổi?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013

(VOV) - Trong 6 môn thi, có 3 môn: Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013

Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013

(VOV) - Trong 6 môn thi, có 3 môn: Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.