Hội nghị trực tuyến đổi mới quản lý giáo dục đại học

Việc triển khai Chương trình Hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học.

Tạo đột phá đổi mới toàn diện giáo dục đại học

Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng cơ chế, chế tài đối với các cơ sở giáo dục, các trường trong lộ trình thực hiện. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tại Hội nghị Trực tuyến triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Hội  nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hội nghị, các tham luận của đại biểu đều khẳng định, việc triển khai Chương trình Hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. 11 nội dung trong Chương trình Hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoạch định rõ đường lối đổi mới đối với các trường, đơn vị quản lý giáo dục và ngành chức năng để triển khai có hiệu quả việc đổi mới.

Các đại biểu cho rằng, việc quan trọng hàng đầu là Bộ và các Trường cần xây dựng chiến lược phát triển cụ thể trong từng giai đoạn, có lộ trình thực hiện rõ ràng và có tổng kết, đánh giá những mặt được và tồn tại để có sự điều chỉnh. Nếu không phân rõ nhiệm vụ cho từng lộ trình dễ dẫn tới tình trạng hô hào chung chung, phong trào, không thực chất. Ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến nên phân ra 2 lộ trình: giai đoạn đầu là tổ chức tuyên truyền, và triển khai mô hình điểm….; sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và ban hành cho các trường cùng làm. Cần có 1 quy chế, cách làm thống nhất chứ không thể để các trường tự sáng tạo…

Đối với nội dung giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, nhiều đại biểu cho rằng nên có điều kiện cụ thể, gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó cần xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp, có cơ quan kiểm định chất lượng độc lập để làm động lực cho các trường phấn đấu. Ngoài việc xây dựng các chế tài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện theo. Đối với hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc ngành hoặc địa phương, một số đại biểu kiến nghị Bộ xác định rõ mối quan hệ giữa Bộ và chính quyền địa phương trong việc quản lý để tạo điều kiện cho các trường tự chủ, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình Hành động của Bộ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có giáo dục đại học là rất cần thiết để phát triển toàn diện giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với các trường triển khai Chương trình Hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học một cách có hiệu quả theo đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện thì chưa đủ mà cần có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể và cả chính quyền địa phương, nhưng giữ vai trò nòng cốt là đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành và cả sinh viên. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ phải xác định rõ là không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng…. Giáo dục đại học có nhiều thành tựu và khó khăn, để giải quyết những khó khăn thì khâu đột phát là đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới cách làm để mỗi cá nhân, mỗi trường hoạt động hiệu quả hơn. Hiệu trưởng các trường, các giảng viên, sinh viên, mỗi người phải tìm cách xác định trách nhiệm của mình đóng góp của mình vào sự nghiệp phát triển hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp và cam kết thực hiện Chương trình Hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên