Khắc phục quá chậm quyền lợi của giáo viên ở Cà Mau bị cắt hợp đồng
VOV.VN -Thân phận những giáo viên nghèo phải “chịu thiệt” vì bị cắt hợp đồng sai, bị mất quyền lợi nhiều năm qua nhưng chưa được đảm bảo
Hơn nửa năm sau khi huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thực hiện cắt hợp đồng hàng chục giáo viên, đến hiện tại vẫn còn đó những lá đơn, những yêu cầu chính đáng chưa được giải quyết xong. Còn đó thân phận những giáo viên nghèo phải “chịu thiệt” vì bị cắt hợp đồng sai, bị mất quyền lợi nhiều năm qua nhưng chưa được đảm bảo. Trong khi những người có chức trách giải quyết vấn đề này thì vẫn nói “đang làm, còn phải chờ”.
Vào tháng 10/2018 hàng loạt trường trên địa bàn huyện Thới Bình thực hiện cắt hợp đồng giáo viên. |
Nỗi lòng giáo viên
Chúng tôi ghé nhà cô Đỗ Kim The, giáo viên Trường Tiểu học Trí Phải Tây (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau) khi trời xế chiều. Ông Sáu Hòa, cha cô The năm nay đã 76 tuổi đang chài cá dưới ao cạnh nhà. Ông bảo: “Tôi chài kiếm mấy con cá sặc để con The nó ăn".
Cô The mới sinh con được khoảng 1 tháng. Cô nặng nề trở mình ngồi dậy, trao đứa con cho mẹ mình năm nay cũng đã 72 tuổi. Cô bảo tôi ngồi ở chiếc giường cạnh bên trò chuyện để đứa nhỏ khỏi thức giấc. Khoảng cách chỉ độ chừng 2 mét nhưng cô lê chân đến chục bước mới bám được vào thành giường.
Cô The chia sẻ: chồng cô là người miền ngoài, tay trắng vào đây lập nghiệp nên sau khi lấy nhau vợ chồng ở với cha mẹ cô. Gia đình có 4 công đất nuôi tôm, giao cho chồng cô canh tác. Hằng ngày cô đi dạy lấy đồng lương cùng chồng bươn chải nuôi cha mẹ già và đứa con trai. Rồi vừa qua cô mang thai đứa con thứ được hơn 2 tháng thì bị cắt hợp đồng giảng dạy vào tháng 10/2018.
Sau đó, cô có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho mình. Trong khi chờ giải quyết vụ việc, do bị đứt một đầu thu nhập, mảnh vuông của gia đình lại thất bát nên vợ chồng cô bảo nhau nên TP. Hồ Chí Minh “buôn thúng, bán bưng” để có tiền sinh con. Cũng nhờ vậy mà khoản tiền 10 triệu đồng sinh con vừa qua, cô chỉ phải vay mượn người thân một ít. Đến hiện nay, các yêu cầu của cô The vẫn chưa được trả lời rõ.
Cô Đỗ Kim The bị cắt hợp đồng khi đang mang thai. |
Bức xúc vì bị cắt hợp đồng trong thời gian đang mang thai, cô Đỗ Kim The đề nghị ngành chức năng huyện Thới Bình phải làm rõ và đảm bảo quyền lợi cho cô: “Tôi yêu cầu giải quyết các chế độ đúng theo quy định cho tôi. Tôi dạy 10 năm mà chỉ có 1 bậc lương thì có đúng không? Nếu tiếp tục dạy lại thì tôi có được nâng lương không? Rồi trước nay không nâng lương theo quy định cho tôi thì giải quyết như thế nào? Bây giờ tiến hành dạy lại có ưu tiên xét biên chế cho tôi hay không? Trong thời gian tôi đang mang thai mà bị cắt hợp đồng sai quy định như vậy thì có được trả lương từ đó đến nay không? Rồi các chế độ thai sản của tôi có được giải quyết hay không?”.
Huyện chờ tỉnh, tỉnh nói đã trả lời
Liên quan vấn đề cắt hợp đồng giáo viên và giải quyết chế độ nâng lương cho giáo viên hợp đồng, trong tháng 3 vừa qua, trả lời phóng viên VOV, ông Nguyễn Tráng Kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nhìn nhận, trong việc cắt hợp đồng giáo viên huyện Thới Bình đã có những sai sót và đã khắc phục xong.
Riêng trong việc giáo viên hợp đồng giảng dạy nhiều năm nhưng không được nâng lương, vị này thẳng thắn cho biết: Lãnh đạo huyện đã thấy được thiếu sót và đang chờ ý kiến từ Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau để hướng dẫn thực hiện như thế nào cho đúng. UBND huyện Thới Bình sẽ làm theo đúng quy định, sẽ đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
Chúng tôi liên hệ với các đơn vị mà UBND huyện Thới Bình xin ý kiến để làm rõ thông tin. Theo ông Nguyễn Việt Nhân, Trưởng phòng Giáo dục - Nghề nghiệp và Việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau), đơn vị có nhận được công văn của huyện Thới Bình về việc nâng lương và chế độ chính sách đối với giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất với Sở Nội vụ Cà Mau và có ý trả lời cho huyện. Trong đó, việc nâng bậc lương thường xuyên đối với giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng phải được áp dụng thực hiện theo cơ chế thang, bảng lương do Nhà nước quy định. Do đó, việc nâng bậc lương cho lao động, đề nghị huyện Thới Bình thực hiện đúng theo cơ chế tiền lương quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Việt Nhân nêu rõ: “Việc sắp xếp trường lớp, giáo viên thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thới Bình. Huyện có hỏi về việc nâng lương cho hợp đồng lao động. Sở đã trả lời bằng văn bản. Vấn đề HĐLĐ có được nâng lương hay không thì theo quy định, anh sử dụng lao động, áp dụng chế độ tiền lương nào thì cũng phải có lộ trình nâng lương cho người lao động”.
Liên đoàn lao động vào cuộc
Còn ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau cho biết: Trong quá trình sắp xếp trường lớp, giáo viên trên địa bàn huyện Thới Bình có 7 trường hợp giáo viên đang mang thai và 13 cán bộ công đoàn cơ sở bị cắt hợp đồng sai quy định. Trong số các cán bộ công đoàn bị đưa vào sắp xếp sai thì 6 trường hợp đã được trở lại làm việc. Còn những trường hợp còn lại đơn vị này sẽ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục làm việc với UBND huyện Thới Bình để đưa những giáo viên này trở lại giảng dạy theo đúng quy định.
Cô Đỗ Kim The hiện đã sinh con và đang tiếp tục đòi quyền lợi cho mình. |
Ông Tiến thông tin thêm, từ trước tới nay, trong các vấn đề liên quan đến giáo viên hợp đồng tại huyện Thới Bình, Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau chỉ nhận được báo cáo từ Liên đoàn Lao động huyện này chứ chưa nhận được một ý kiến, công văn nào từ UBND huyện Thới Bình.
Việc giáo viên hợp đồng đã giảng dạy nhiều năm mà không được nâng lương theo quy định, ông chưa nắm được. Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ yêu cầu cấp công đoàn trực thuộc báo cáo, khi đã nắm rõ vấn đề sẽ có hướng giải quyết phù hợp. Ông Nguyễn Quốc Tiến nêu rõ: “Qua thông tin này, tôi sẽ trao đổi lại trong Thường trực trong Liên đoàn để có hướng chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là ngành giáo dục báo cáo về tình hình này. Thật ra, trước nay tôi chưa biết đến thông tin này và cũng chưa nghe cấp công đoàn cơ sở báo cáo nên chưa có hướng giải quyết được”.
Trước đó, VOV nhận được nhiều đơn thư của giáo viên bị cắt hợp đồng tại huyện Thới Bình. Trả lời phóng viên xung quanh vụ việc này, đại diện UBND huyện Thới Bình cho biết, đã giải quyết xong chế độ và khiếu nại của các giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn còn nhận được những phản ánh, đòi quyền lợi từ giáo viên bị cắt hợp đồng. Đặc biệt, trong việc nâng lương cho giáo viên hợp đồng, sau hơn 2 tháng khẳng định, sẽ giải quyết đúng, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên thì mới đây chúng tôi liên lạc lại, đại diện UBND huyện Thới Bình vẫn trả lời là: “đang làm, còn phải chờ”.
Những thầy cô đã và đang âm thầm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục còn phải chờ quyền lợi họ xứng đáng được hưởng tới bao giờ?/.
Huyện Thới Bình tuyển 168 viên chức giáo dục
Thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, giáo viên theo chủ trương của tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình thực hiện cắt hợp đồng với 120 giáo viên và 23 nhân viên vào tháng 10/2018.
Nhiều giáo viên có đơn khiếu nại cho rằng, việc thực hiện cắt hợp đồng của huyện Thới Bình chưa đúng, họ chưa được đảm bảo quyền lợi khi bị cắt hợp đồng.
Sau khi rà soát lại, UBND huyện Thới Bình thừa nhận có sai sót trong cắt hợp đồng giáo viên và cho biết số giáo viên bị cắt hợp đồng còn lại là 86 giáo viên.
Hiện nay, huyện Thới Bình đang chuẩn bị thực hiện thi tuyển 168 viên chức phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó, đối tượng tuyển chủ yếu là giáo giáo viên Mầm non. Ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở tuyển chủ yếu các vị trí như: Kế toán, văn thư, giáo viên dạy tin học, anh văn, mỹ thuật...