Cà Mau sẽ giải quyết vấn đề cắt hợp đồng giáo viên tại huyện Thới Bình
VOV.VN -Việc cắt hợp đồng giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều sai sót, địa phương này đang khắc phục để đảm bảo đúng quyền lợi cho các giáo viên.
Liên quan vấn đề nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Thới Bình (Cà Mau) bị cắt hợp đồng không đúng quy định và chưa được đảm bảo quyền lợi khi bị cắt hợp đồng, đại diện UBND huyện Thới Bình cho biết, trong quá trình thực hiện cắt hợp đồng giáo viên trên địa bàn có những sai sót nhất định, hiện địa phương đang khắc phục và sẽ đảm bảo đúng quyền lợi cho các giáo viên.
Một điểm trường có giáo viên bị cắt hợp đồng không đúng chủ trương. |
Có sai sót trong cắt hợp đồng giáo viên
Ông Nguyễn Tráng Kiện, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp lại giáo viên, trường lớp của tỉnh, UBND huyện Thới Bình chỉ đạo cắt hợp đồng với những giáo viên trong diện dôi dư không thể sắp xếp được. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có những giáo viên bị cắt hợp đồng chưa đúng quy định và cũng có những trường hợp chưa đúng chủ trương của UBND tỉnh Cà Mau.
“Việc cắt hợp đồng giáo viên được thực hiện sau khi không sắp xếp được, nghĩa là thật sự dôi dư. Trên tinh thần sắp xếp là sắp xếp theo ưu tiên, trong đó, có nhiều đối tượng được ưu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cắt hợp đồng này ở một số trường làm không đúng theo tinh thần chỉ đạo. Việc làm không đúng bắt nguồn từ việc Phòng Giáo dục – Đào tạo tham mưu chưa đúng, UBND huyện có văn bản chỉ đạo và các trường làm thiếu chính xác. Nên dẫn đến một số giáo viên có yêu cầu xem xét lại, như giáo viên đang mang thai không trong diện bị cắt hợp đồng nhưng có giáo viên bị cắt”, ông Kiện nói.
Trước đó, nhiều giáo viên đã có đơn gửi cơ quan chức năng Cà Mau yêu cầu xem xét. |
Cụ thể, số giáo viên, nhân viên ban đầu bị cắt hợp đồng tại huyện Thới Bình là 143 (trong đó có 23 nhân viên). Sau khi phát hiện có sai sót, huyện điều chỉnh lại số giáo viên bị cắt hợp đồng chỉ còn 86 người.
Theo ông Nguyễn Tráng Kiện, trong số 86 giáo viên bị cắt hợp đồng, có 14 giáo viên đã ký hợp đồng trước 2009 sẽ được giải quyết theo chế độ nghỉ một lần và hưởng trợ cấp mất việc.
Các trường hợp còn lại đều có tham gia bảo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì được giải quyết theo đúng quy định. Trong đó, có 13 giáo viên đã tìm được công việc mới và sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị đang công tác.
Sẽ làm... nhưng phải chờ
Đối với những giáo viên hợp đồng đã tham gia giảng dạy nhiều năm nay nhưng không được nâng lương đúng theo quy định, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Tráng Kiện cho rằng: lãnh đạo huyện đã thấy được thiếu sót này và đang thực hiện khắc phục. Tuy nhiên, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được vì sự việc đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Hiện UBND huyện Thới Bình đang xin ý kiến các sở, ngành chuyên môn của của tỉnh để có hướng tháo gỡ. Cụ thể, địa phương đã có kiến nghị gửi Sở Lao động – Thương Binh xã hội; Liên đoàn Lao động; Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau để hỗ trợ cho địa phương giải quyết vấn đề này theo đúng quy định. Quan điểm của huyện Thới Bình là sẽ đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng:
“Phải thực hiện đúng theo luật Lao động, đúng quy trình Nhà nước đã quy định. Trách nhiệm, vai trò chúng tôi là phải làm, phải xử lý cho xong. Phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là những giáo viên. Chúng tôi đã thấy cái đó chưa đúng, chưa được nên đang tranh thủ, đã có định hướng, đã có liên hệ với các sở để cầu kiến, hiến kế cho chúng tôi thực hiện đúng nhất”, ông Kiện cho biết.
Giáo viên bị cắt hợp đồng được hưởng “trợ cấp mất việc”
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): Nếu việc chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là do dôi dư thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động như thế nào cho hợp lý.
Đối với những trường hợp phải chấm dứt HĐLĐ nhiều người thì chỉ tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Người lao động bị thôi việc thì được hưởng trợ cấp mất việc làm theo như Điều 44, Bộ luật Lao động quy định. Trong đó, việc trợ cấp mất việc được quy định rõ tại Điều 49.
Trước đó, VOV tiếp nhận đơn của nhiều giáo viên hợp đồng giảng dạy tại huyện Thới Bình, phản ánh vấn đề họ bị cắt hợp đồng chưa đúng quy định, chưa được đảm bảo quyền lợi. Nhiều giáo viên công tác tại địa phương rất nhiều năm nhưng họ không được nâng lương theo đúng quy định.
Nhiều giáo viên huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đề nghị các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau có phương án giải quyết thỏa đáng, đảm bảo công bằng cho họ./.
Điều 49, Bộ Luật Lao động 2012 quy định “trợ cấp mất việc làm” như sau:
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.