Khi tệ nạn “thống lĩnh” các lễ hội
Theo Phó Chánh thanh tra – Bộ VH-TT-DL thì khó có thể dẹp bỏ được những tệ nạn, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của… những người hành nghề ăn xin, ăn mày…
- Cờ bạc “áp đảo” văn hoá lễ hội
- Ngăn chặn tệ nạn trong mùa lễ hội chùa Hương
- Cắt đuôi thực dụng của lễ hội
Những năm gần đây, khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện, thì nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng tăng, dẫn đến số người tham gia lễ hội ngày càng đông. Tuy nhiên, các tệ nạn như mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng, đốt nhiều đồ mã… đã và đang làm xấu đi hình ảnh các lễ hội văn hóa, tôn giáo, gây bức xúc trong dư luận.
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được tổ chức quy củ, chặt chẽ hơn, nhiều lễ hội được đánh giá hoạt động theo đúng truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Nhận thức của cộng đồng cũng đã có những bước chuyển biến tích cực trong cả ý thức và hành động, du khách tham gia lễ hội cũng cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, ở nhiều lễ hội vẫn xảy ra các tệ nạn, làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận xét: Số lượng người đến lễ hội quá đông, có nơi là hàng triệu người, chắc chắn sẽ diễn ra một số bất cập, trong đó nổi lên là trật tự giao thông, vệ sinh môi trường… nhiều nơi vẫn tổ chức đánh bài ăn tiền, bán thịt thú rừng, mở loa đài lớn ở nơi linh thiêng. Một vấn đề nữa là một số nơi vẫn còn nạn mê tín dị đoan, xóc thẻ...
"Thú rừng" rởm được treo bán công khai tại chùa Hương (Ảnh: KT) |
Có thể kể đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vẫn xảy ra như ở lễ hội Chợ Viềng (Nam Định), tệ cờ bạc ở Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội). Nạn lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như xóc thẻ, lên đồng, bói toán ở Đền Cồn (Nghệ An), Chùa Bà (Bình Dương); hay hình ảnh phản cảm khi liền anh, liền chị vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền ở Hội Lim, rồi nạn đốt đồ vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường ở Lễ hội Bà Chúa Kho – Bắc Ninh.
Những hiện tượng này, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ đã kiểm tra và nhắc nhở chính quyền địa phương cũng như các Ban quản lý cần phải chấn chỉnh.
Theo ông Phúc, ở Hội Lim, các nhóm hát quan họ ngả nón ra để nhân dân thả tiền vào trông rất phản cảm. “Chúng tôi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đề nghị không để xảy ra tình trạng này nữa. Bên cạnh đó, không để ăn xin, ăn mày trong lễ hội là một tiêu chí trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Các ban quản lý lễ hội đều có bố trí lực lượng thu gom đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội”, ông Phúc cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Phúc thì khó có thể dẹp bỏ được những tệ nạn này, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của… những người hành nghề ăn xin, ăn mày. Nhưng sự “bất lực” của các ban quản lý là thấy rõ khi ở những lễ hội lớn, tổ chức quy củ như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Chùa Hương, Chùa Bái Đính… vẫn có hàng trăm người hành nghề ăn xin hoạt động, tạo nên hình ảnh nhếch nhác tại các di tích và phản cảm đối với du khách tham gia lễ hội. Trong khi đó, mới có rất ít lễ hội tổ chức quy củ, thực sự tạo nên hình ảnh văn hóa tín ngưỡng một cách trọn vẹn.
Ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích danh thắng Yên Tử chia sẻ: “Du khách về Yên Tử rất yên tâm. Đã nhiều năm, tại đây không có hiện tượng ăn xin, ăn mày, mê tín dị đoan, chèo kéo khách thiếu văn minh lịch sự, và đặc biệt là không có hiện tượng treo thịt động vật, thịt tươi sống ở tại các nhà hàng gây phản cảm cho du khách và mất sự linh thiêng của khu vực lễ hội”.
Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt lễ hội có liên quan mật thiết đến các phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư, bởi vậy, không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều nhận thức và hành vi của mỗi con người và cả cộng đồng, những chủ thể quan trọng của lễ hội.
Theo bạn, đâu là biện pháp hiệu quả để có thể giảm bớt và tiến tới xóa bỏ tệ nạn tại các lễ hội ?