Khó khăn của những giáo viên từ vùng rốn lũ

Cơn đại hồng thuỷ đi qua tỉnh Phú Yên đã để lại những mất mát quá lớn. Trong số những người bị thiệt mạng có 10 học sinh và 1 giáo viên. Họ không kịp chung hưởng niềm vui trong ngày Hiến chương các nhà giáo

Giáo viên không nhà

Như nhiều ngôi trường khác ở vùng lũ Phú Yên, Trường Tiểu học Xuân Quang 2, thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã bắt đầu học trở lại thứ 2 tuần này, sau đúng 2 tuần cơn lũ lịch sử đi qua, tàn phá mảnh đất này và cuốn theo 18 người dân ở Xóm Trường, thôn Triêm Đức. Trong số này có 4 học sinh tiểu học và 2 học sinh mẫu giáo. Ở đây cũng có 2 giáo viên là cô Trần Thị Lâm và thầy Nguyễn Văn Công may mắn giữ được tính mạng nhưng nhà cửa, tài sản kịp trôi theo dòng nước hung dữ. Những ngày qua, khi lên lớp, cô Lâm chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo. Cả gia đình cô giờ phải đi ở nhờ nhà một người anh ở xóm khác. Nhìn những đứa học sinh mặt vẫn còn ngơ ngác sau khi trải qua trận lũ kinh hoàng, xốc xếch trong những bộ quần áo được bà con các nơi quyên góp về cho, cô lại nhớ hình ảnh những em học sinh của mình trong ngày 3/11 bị lũ cuốn, được bà con vớt lên từ mé sông và cô lại nghĩ về hoàn cảnh của mình.

Cô Trần Thị Lâm tâm sự: “Trong đêm đó, tôi nghe tiếng các em khóc rồi bị trôi và chết. Rồi khi xác các em được vớt lên, tôi rất đau khổ và đó cũng là đau khổ chung của mọi người trong trường. Còn bây giờ, cuộc sống rất vất vả, việc đi dạy cũng rất khó khăn. Khó khăn thì cố gắng khắc phục, dù sao mình vẫn còn may mắn giữ được tính mạng”.

Tính đến 18/11, các em đã học lại ngày thứ 3 nhưng trường vẫn còn rất vắng vẻ. Lớp học vẫn ê a tiếng đọc bài của các em nhưng ở cả 4 khối lớp 2, 3, 4 và 5, khối nào cũng vắng 1 em. Cả trường tiểu học Xuân Quang 2 có đến 4 em bị thiệt mạng vì lũ. Trong 39 giáo viên thì có đến 35 giáo viên bị hoặc sập nhà hoặc bị trôi mất tài sản.

Thầy Phan Thanh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thì ở vùng sâu vùng xa, kinh phí không có, giáo viên ai cũng khó khăn, nên ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ biết động mọi người về mặt tinh thần. Những giáo viên bị sập nhà, trường không có nguồn quỹ để hỗ trợ. Mọi người chỉ biết động viên nhau tiếp tục giảng dạy, tất cả vì học sinh thân yêu.

Tất cả vì học sinh thân yêu

Ở trường Tiểu học Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, không có học sinh bị thiệt mạng. 3 thầy giáo trực trường đêm đó bị lũ cuốn, nhưng nhờ 3 chiếc trống đội đã may mắn thoát chết. Ngôi trường giờ đây không còn gì ngoài đống gạch đá đổ nát nằm lẫn với rác rưởi, bùn đất. Sau lũ, bộ đội đã giúp vệ sinh khu vực nhà trường và dựng lên 3 chiếc lều bạc để các em học tạm. Những ngày đầu không có bàn ghế, các em phải nằm dài trên tấm ni lông để viết. Các thầy cô đã đi xin những bộ bàn cũ từ các trường học khác trong thị xã còn sót lại, kê trong 3 lều bạc để các em ngồi học.

Cô giáo Văn Thị Hiệp cho biết: mấy hôm sau lũ, trời nắng, tầm 9 giờ là các em mệt không thể học tiếp. Mấy ngày này, ảnh hưởng không khí lạnh, mưa lất phất, nhà bạc không có cửa như phòng học nên không thể che ấm được cho các em, em nào cũng tím tái.

Lớp học tạm của cô giáo Lê Thị Minh Thư, trường tiểu học Xuân Lâm.

Còn cô giáo Lê Thị Minh Thư dạy lớp 1 thì cho biết, lẽ ra trong ngày 20/11 là ngày vui của các em và thầy cô. Nhưng trong hoàn cảnh trường lớp tan hoang, các thầy cô vừa mừng nhưng vừa lo. Lo vì không biết các em sẽ chịu đựng được bao lâu trong những phòng học bằng bạt tạm bợ. Việc dạy dỗ các em dù tận tình mấy cũng không đảm bảo trong hoàn cảnh này. Ngày 20/11 năm nay, thay bằng việc ôn lại truyền thống ngày hiến chương các nhà giáo, các thầy cô trường tiểu học Xuân Lâm cùng nhau động viên để quyết tâm vượt qua khó khăn do thiên tai để lại.

Có một câu chuyện rất đời thường mà chúng tôi ghi lại được tại trường tiểu học Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu. Con lũ đi qua, ngôi trường bị sập hoàn toàn, con dấu của trường bị cuốn trôi hay vùi đâu trong đất đá, đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Đến nay các thầy cô ở đây vẫn chưa thể lĩnh được lương. Những ngày qua các thầy cô phải sống nhờ vào những phần mì tôm và gạo cứu trợ của các tổ chức cá nhân từ thiện. Ngày 20/11, món quà mà các thầy cô ở trường Xuân Lâm có được là những gói mì tôm do UBND xã Xuân Lâm san sẻ và 20.000 đồng cho mỗi người từ nguồn quỹ của Uỷ ban xã. “Nếu không đủ nhiệt tâm, chắc chúng tôi không thể tiếp tục đứng lớp trong hoàn cảnh này” - cô Lê Thị Ngọc Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lâm tâm sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên