Không chỉ là chuyện nhà vệ sinh
Chuyện về nhà vệ sinh trong trường học vô tình lại làm lộ ra một lỗ hổng rất lớn trong tư duy của một nền giáo dục.
Những ngày này, trên nhiều mặt báo, người ta đang phản ánh cái thực trạng “thiếu nhà vệ sinh trầm trọng” ở các trường học trên cả nước. Ở Hà Nội, việc khảo sát số lượng các nhà vệ sinh trên địa bàn cho kết quả giật mình: Rất nhiều trường học ở khu vực Hà Nội mới thậm chí còn không có nổi một cái nhà vệ sinh.
Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng cái thực trạng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của cả một nền giáo dục hay không? Khi các em học sinh đến trường, các thầy cô giáo luôn giáo dục các em về một đất nước Việt Nam có “rừng vàng biển bạc”. Các thầy cô cũng luôn nhắn nhủ các em phải có ý thức giữ gìn “rừng vàng biển bạc” - thứ tài sản vô giá mà các em rồi sẽ là những chủ sở hữu trong tương lai. Mục đích của việc hướng đạo ấy là rất tốt, bởi một mặt nó định hình trong não trạng một đứa trẻ lòng tự hào dân tộc ngay từ nhỏ; mặt khác, vượt lên trên những ý thức về “dân tộc”, nó còn dạy những đứa trẻ phải biết quý trọng môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, xin hãy tưởng tượng như thế này: ở trên lớp, đứa trẻ vừa học những điều đó và thấy rất thú vị với những điều đó, nhưng sau tiết học nó chợt thấy có “nhu cầu”. Khốn nỗi, cái trường học của trẻ không có nổi một cái nhà vệ sinh nên trẻ buộc phải giải quyết “nhu cầu” bằng cách cứ thế phóng uế ra một gốc cây, một ngọn cỏ kín đáo nào đó, miễn sao bạn bè và các thầy cô không nhìn thấy. Đến lúc ấy, không hiểu trẻ sẽ hấp thụ cái bài học về “tình yêu thiên nhiên, tình yêu môi trường” mà trẻ vừa được dạy như thế nào?
Về mặt lý thuyết, chúng ta dạy cho học sinh phải tôn trọng thiên nhiên. Thế nhưng, về mặt thực tế, chúng ta vô hình chung lại “ép” học sinh phải “xả” vào thiên nhiên. Mà lý thuyết giáo dục chỉ ra rằng, cái gốc của việc uốn nắn một ý thức một tư duy luôn bắt nguồn từ trực quan sinh động. Chúng ta có nói hay, có dạy hay đến mấy mà cái trực quan sinh động của chúng ta không hay thì tất cả những gì chúng ta vừa nói, vừa dạy sẽ phản tác dụng tức thì.
Xây dựng một cái nhà vệ sinh ở một trường học không hề khó. Vậy mà không hiểu sao, trên diện rộng chúng ta vẫn chưa làm tốt điều đó. Và khi mà các trường học vẫn thiếu hoặc vẫn không có nổi một cái nhà vệ sinh thì dường như chúng ta đang tự mình giễu cợt mình. Điều này biểu hiện ở chỗ: Trong khi dạy học sinh toàn những điều hay ho thì chúng ta lại không làm nổi những điều tối thiểu, buộc các em phải “xả” vào thiên nhiên…
Hóa ra, chuyện về một cái nhà vệ sinh vô tình lại làm lộ ra một lỗ hổng rất lớn trong tư duy của một nền giáo dục./.