Không làm được việc thì từ chức, có khó không?

Từ xưa đến nay, người ta chỉ từ chức khi uy tín xuống thấp, bị kỷ  luật, bị cô lập chính trị hoặc không còn khả năng điều hành…

Trong lịch sử Việt Nam, vua Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần lên ngôi ngày 10/12 năm Ất Dậu (1226), niên hiệu là Kiến Trung. Đến năm 1236, sau 10 năm ở ngôi Hoàng Đế, do ưu tư trước thế sự, nghĩ về sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường nên nhà vua quyết định từ bỏ ngai vàng, quyền lực lên Yên Tử tham kiến thiền sư Trúc Lâm theo con đường tu hành. Nhà vua muốn “nghe lời dân, biết được chí dân mới thấu hiểu được nỗi khó khăn của trăm họ”.

Trần Thái Tông đã rời bỏ ngôi vua trong lúc “Lòng dân đang trông đợi Bệ hạ như con đỏ trông đợi cha mẹ… sỹ thức trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết Bệ Hạ là cha mẹ dân”. Đó là lời Thái sư Trần Thủ Độ cùng các quan lên Yên Tử mời đón Nhà Vua trở lại ngai vàng để lo việc quốc gia, xã tắc. Nghe lời Quốc sư nói: Phàm làm đấng quân vương phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không trở về sao được? Nghe vậy, Nhà vua cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng mà lên ngôi báu.

Năm 1257, vua Trần Thái Tông đích thân chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả nơi nguy hiểm khiến quân sĩ đều nức lòng chiến đấu và đánh tan quân Mông xâm lược, đội quân mạnh nhất thế giới bấy giờ (đầu năm 1258) đem lại thái bình cho đất nước, nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng, sau đó lại về am Thái Vi ở vùng núi Vỹ Lâm, cố đô Hoa Lư để an dân, lập ấp và tu hành (lúc 40 tuổi) – theo bản soạn dịch của Hòa Thượng Thích Thanh Tứ - Thiền Viện Trúc lâm Yên Tử 2006.

Trần Thái Tông đích thực là người có tài, có đức, hết lòng vì nước vì dân, không tham quyền, cố vị, tự giác rời ngai vàng, quyền lực trở về đời thường, gắn bó với dân. Tuy nhiên, cái hạn chế của chế độ phong kiến bấy giờ là cha truyền, con nối mà Trần Thái Tông không làm khác được.

Lịch sử thế giới cũng có nhiều trường hợp như vậy. Và trong xã hội hiện đại, chẳng nhìn đâu xa, ở đất nước Nhật Bản, chỉ trong vòng 5 năm qua mà có tới 6 vị thủ tướng. Gần đây nhất, vào tháng 8/2011, Thủ tướng Naoto Kan  đã từ chức vì những chỉ trích rằng ông đã chỉ đạo sai lầm trong thảm họa kép động đất - sóng thần hồi tháng 3, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ ở Fukushima.

Còn ở Việt Nam, có những vụ từ chức cũng khá đình đám được dư luận quan tâm. Ví dụ như vụ ông Trần Đăng Tuấn, từ chối vị trí Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trong lúc uy tín của ông đang rất cao trong giới truyền thông. Ông Tuấn ra đi được giải thích là vì những lý do cá nhân. Tiếp nữa là vụ từ chức của ông Lại Văn Sinh – Cục trưởng Cục điện Ảnh, do để thuộc cấp rút ruột 40 tỷ đồng…

Đấy là những trường hợp hi hữu trên chính trường được mọi người quan tâm thời gian qua. Gần đây nhất, người ta lại đặt sự chú ý vào trường hợp ông Đào Văn Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn điện lực Việt Nam do việc đầu tư vào lĩnh vực viễn  thông gây thua lỗ hơn 1000 tỷ đồng. Hãy đặt một so sánh nhỏ (có thể là khập khiễng) khi ông Lại Văn Sinh “làm mất” 40 tỷ đồng đã tự thấy mình không còn xứng đáng tại vị, trong khi ông Chủ tịch EVN, mới chỉ tính ở một lĩnh vực, mà đã mất tới cả nghìn tỷ. Vậy mà chỉ khi có quyết định của Thủ tướng về việc miễn nhiệm ông Đào Văn Hưng, dư luận mới ngã ngửa “à ra thế!”.

Thế nhưng, dư luận lại đặt tiếp một câu hỏi: Mọi quyết định đầu tư của EVN đều được thông qua Hội đồng thành viên. Mà đã là hội đồng thì không phải chỉ có một mình ông Hưng. Vậy, còn những vị khác có phải từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật?

Chừng nào, trong các ngành, lĩnh vực lại có những Trần Đăng Tuấn, Lại Văn Sinh… để mọi người thấy rằng, ở Việt Nam có những người dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình và có văn hóa từ chức giống như các nước khác trên thế giới?!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên