“Không thể trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu cũng được”
VOV.VN -Làm tốt quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo sẽ tránh được thừa thầy thiếu thợ và tránh được việc sinh viên ra trường thất nghiệp.
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) rất quan tâm về quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo.
Theo ông Mão, làm tốt vấn đề này sẽ tránh được thừa thầy thiếu thợ và tránh được việc hàng năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.
Đại biểu Trần Văn Mão dẫn chứng, qua các kỳ thi đại học vừa qua, nhiều trường tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao (27 điểm), lựa chọn được nhiều sinh viên ưu tú, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng.
Tuy nhiên, cũng có những trường điểm đầu vào thấp, thậm chí chỉ xét tuyển học bạ. Hệ lụy là hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm kể cả trình độ đại học và trình độ thạc sỹ.
Đại biểu Trần Văn Mão (Ảnh: KT) |
Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, hiện nay, nói cơ chế thị trường giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng nhưng không thể giao theo cách trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu mã ngành cũng được. Bởi rất nhiều trường mở ngành đào tạo nhưng không có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu. Mặt khác có sự chênh lệch về năng lực giữa trường đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành.
“Mặc dù cạnh tranh mở mã ngành tuyển học sinh không sai nhưng mở ra chất lượng đào tạo kém, không đủ sinh viên học, gây lãng phí lớn về chất lượng đào tạo thấp. Theo tôi trong luật cũng cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành và cần phải cân đối về nhu cầu của thị trường lao động, tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất, tránh dàn trải sẽ không có chất lượng cao”- đại biểu Trần Văn Mão cho biết.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan. (Ảnh: KT) |
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, tại Khoản 2 Điều 33 quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể về điều kiện trình tự thủ tục mở ngành, quyết định cho phép mở ngành, quyết định đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo.
Bà Lan đề nghị yêu cầu mở ngành đào tạo phải phù hợp phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo; đồng thời kết hợp quản lý nguồn lực giáo dục đào tạo hiệu quả nhất, tránh lạm dụng nhưng đồng thời cũng tránh gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục có nhu cầu, có điều kiện, khả năng trong việc mở ngành đào tạo./.
Cơ hội việc làm nhiều, sao vẫn còn 200.000 sinh viên thất nghiệp?
Tại sao phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học?