Không thương mại hóa sách giáo khoa
(VOV) -Thay đổi để sách giáo khoa tương đối ổn định, có chuẩn mực, mang tính thống nhất cao thì không phải dễ dàng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông để đưa vào giảng dạy từ sau năm 2015, coi đây như một trong những công cụ quan trọng để cải cách giáo dục toàn diện.
Phải thay đổi thì rõ rồi, nhưng thay đổi như thế nào để sách giáo khoa phổ thông tương đối ổn định, có chuẩn mực và mang tính thống nhất cao thì không phải là điều dễ dàng.
Luật Giáo dục qui định sách giáo khoa là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lí trong dạy và học. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng không nên tuyệt đối hóa vai trò của sách giáo khoa.
Quan điểm này đã thắng thế trong nhiều năm qua. Bởi, trước hết là do hệ thống sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện tại của chúng ta xét về kiến thức thì vừa thừa vừa thiếu, về hình thức thì tùy tiện, dàn trải, nhiều môn học nặng nề, nhàm chán. Bởi, cái lí do thứ hai này quan trọng hơn, đó là chúng ta không có chương trình chuẩn.
Cụ thể là chúng ta chưa xác định rõ được là nên dạy học sinh những gì, ở tuổi nào nên học cái gì, nhằm mục tiêu gì? Vì thế mà sách giáo khoa phải thay liên tục hằng năm, dường như muốn thêm vào hay bớt đi cái gì cũng được.
Nếu không thêm bớt thì có thể xào xáo, sắp xếp lại chương mục và trình bày bìa khác đi là đã phát hành được bộ sách mới rồi!? Và bởi, cái lí do thứ ba này xuất phát từ hai cái trước nhưng mang tính quyết định, đó là chúng ta không có chuẩn mực trong sự đánh giá và thi cử ở nhà trường.
Học sinh chưa vào lớp 1 đã đua nhau đi học chữ là một ví dụ khá điển hình. Thêm một ví dụ cụ thể hơn là học sinh trung học cơ sở nếu học lớp tăng cường tiếng Anh chẳng hạn, thì thể nào cũng bị “phủ đầu” bằng một loạt điểm kém khi kiểm tra Toán. Đề Toán nếu không ngoài sách giáo khoa thì trong 10 phút bắt học sinh làm đến 4 - 5 bài, có ”cắm cổ chép” cũng chỉ hoàn thành một nửa.
Những lí do như vừa kể dẫn đến nhiều hệ lụy. Bệnh thành tích, tình trạng quá tải, học sinh 6 – 7 tuổi đi học “đeo ba-lô” như bộ đội hành quân dã ngoại, hay chạy học trái tuyến, chạy trường chuyên lớp chọn,... đều sinh ra từ sự thiếu chuẩn mực ấy.
Những ví dụ về việc “cơi nới” kiến thức như vừa kể làm khó cho cả học sinh và phụ huynh. Và đáng buồn là tình trạng ấy đã kéo dài nhiều năm, làm cho nhiều thế hệ con em chúng ta rơi vào 2 trạng thái trái ngược nhau. Một là học lệch. Hai là quá tải kiến thức nên không rõ mình đã được học những gì.
Vì vậy, đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo một chương trình chuẩn là việc làm mang tính cấp bách, không thể chần chừ thêm nữa. Thế nhưng đổi mới như thế nào đây?
Năm ngoái có đề án dự kiến chi gần trăm tỉ cho việc này. Năm nay chưa thấy đề án kiểu đó, nhưng đang có đề xuất nhập một khối lượng lớn sách từ nước ngoài về để dịch ra cho các nhà biên soạn tham khảo. Cứ làm theo cách đó, nói thẳng ra là cái cách của tư duy thương mại, thì đến bao giờ mới có được một hệ thống sách giáo khoa phổ thông chuẩn mực, thống nhất và ổn định tương đối?
Theo chúng tôi, đổi mới sách giáo khoa chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta thống nhất được với nhau về triết lí giáo dục. Đã từng có nhiều ý kiến đề nghị ở cấp tiểu học bỏ 40%, cấp trung học cơ sở bỏ 50% và cấp trung học phổ thông bỏ 60% lượng kiến thức về Văn, Toán, Lý, Hóa.
Các môn còn lại cũng nên giảm ở mức phổ thông. Nói với nhau về những điều ấy còn thiết thực hơn tranh luận xem nên học phổ thông 10 năm, 12 năm hay 11 năm. Tóm lại, những thứ cần thiết hơn cho con em chúng ta là kiến thức, kĩ năng sống, năng lực phản ứng xử lí tình huống và vấn đề trong thực tiễn. Đối với học sinh tiểu học nên hướng trọng tâm vào giáo dục luân lí, lòng yêu nước, những giá trị truyền thống của dân tộc. Ở bậc trung học là kiến thức phổ thông, ngoại ngữ, cơ hội nghề nghiệp và phương pháp tư duy độc lập.
Cùng với đó, như đã phân tích, ngành giáo dục cần xây dựng và ban hành chương trình chuẩn cho từng lớp học, từng cấp học phổ thông. Đó là căn cứ để giáo viên giảng dạy theo đúng chương trình, sách giáo khoa, đánh giá và xếp loại học sinh một cách chính xác, khách quan và công bằng.
Chỉ khi nắm bắt được nhu cầu, mục tiêu của người đi học, nói rộng ra là nhu cầu thực tiễn của xã hội, ngành giáo dục mới xác định được cần dạy cái gì, dạy như thế nào. Và khi ấy, việc đổi mới hệ thống sách giáo khoa phổ thông mới có được hiệu quả như mong muốn.
Biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông chuẩn là việc làm hệ trọng vì đó là linh hồn của giáo dục, ảnh hưởng đến nhận thức của nhiều thế hệ học sinh và tiền bạc của nhân dân, nên tuyệt đối không được thương mại hóa./.