Không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội
VOV.VN - Ở cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giới thiệu trước khi lấy ý kiến rộng rãi tới dư luận xã hội có một số điểm mới căn bản.
Điểm đặc biệt mới nhất của dự thảo lần này là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.
Giai đoạn giáo dục cơ bản sẽ bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục. Cụ thể, cấp Tiểu học sẽ gồm các môn học bắt buộc toàn phần là: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán học, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta/tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên.
Nội dung bắt buộc có phân hóa (tự chọn module), gồm: Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.
Với cấp THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là ngoại ngữ 2.
Đề thi chưa công bố là tài liệu tối mật ngành giáo dục đào tạo
Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp gồm 2 giai đoạn nhỏ: Lớp 10 được coi là dự hướng còn lớp 11-12 là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.
Ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp với việc tự chọn tối thiểu 5 môn học.
Như vậy, so với dự thảo trước đó, dự thảo lần này không tích hợp môn Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó.
Học sinh lớp 10 sẽ học 11 môn học bắt buộc, đến lớp 11 thì được tự chọn hoàn toàn môn học, với tối thiểu 5 môn.
Theo dự kiến, 11 môn ở lớp 10 gồm các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ), mỗi học kỳ không quá 7 môn. Ngoài ra, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng là những môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
30 năm đổi mới đất nước: Giáo dục vẫn bộn bề khó khăn
Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.
Trong trường hợp môn học mà số học sinh chọn không đủ để tổ chức thành lớp học riêng, học sinh có thể học môn đó ở các cơ sở giáo dục khác hoặc thay đổi lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường. Kết quả học tạp cơ sở giáo dục khác được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ.
Căn cứ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì giai đoạn định hướng nghề nghiệp phải giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho việc học sau phổ thông có chất lượng.
Theo đó, nếu như thực hiện đúng Nghị quyết thì phải thay đổi cách dạy ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay do hiện nay học sinh THPT học quá nhiều, dẫn đến quá tải. Vì thế, nhóm biên soạn chương trình mới đã giảm số môn học và cho phép học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp./.