Kỷ cương trường lái– cái gốc giảm tai nạn giao thông
Cần nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe nhằm nâng cao trình độ người điều khiển phương tiện, mới có thể giảm tai nạn giao thông.
Qua việc tổng hợp, phân tích và đánh giá của các cơ quan chức năng, việc người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tốc độ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Từ thực trạng này, vấn đề nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang đòi hỏi cần được quan tâm và quản lý chặt hơn.
Học và cấp bằng lái xe chỉ trong vòng… 1 tuần
Trong những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đầu tư, xây dựng các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe theo chủ trương xã hội hóa. Đến nay, với 282 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 84 trung tâm sát hạch lái xe được phân bố hợp lý trong toàn quốc đã đáp ứng được nhu cầu học, ôn luyện và sát hạch lái xe của người dân.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại nhiều cơ sở đào tạo lái xe, trang thiết bị giảng dạy còn chưa phù hợp với các cơ sở đào tạo lái xe có lưu lượng lớn trên 1.000 học viên; đội ngũ giáo viên dạy lái chưa được bổ túc thường xuyên để nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới.
Quản lý chặt chẽ công tác dạy và học nhằm nâng cao chất lượng người điều khiển phương tiện. |
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chưa được bổ xung, thay đổi kịp thời, việc quản lý đào tạo có nơi chưa thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình; phần sát hạch lái xe trên đường vẫn theo hình thức truyền thống. Hơn nữa, do chưa có hệ cơ sở giấy phép lái xe (GPLX) thống nhất trên toàn quốc dẫn tới việc một số lái xe đã lợi dụng giả báo mất để có cùng lúc nhiều GPLX.
Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương thống thiết bày tỏ: “Qua kiểm tra tình hình tại Hải Dương, cơ quan đã phát hiện nhiều vi phạm trong tổ chức học cũng như thi sát hạch cấp GPLX tại nhiều cơ sở đào tạo. Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều cơ sở đào tạo sai địa chỉ, quảng cáo dạy và thi lái xe nhưng không đào tạo… Đáng chú ý là có trung tâm, cơ sở đào tạo cố tình rút ngắn thời gian học (cả lý thuyết và thực hành) để thu hút học viên. Cá biệt có trung tâm đào tạo khuếch trương uy tín bằng việc quảng cáo học và cấp GPLX chỉ trong thời gian… 1 tuần”.
Chú trọng chất lượng người cầm lái
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đường bộ” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường của đội ngũ lái xe, tạo ra đội ngũ lái xe có tay nghề cao, có đạo đức nghề nghiệp và có văn hóa khi tham gia giao thông để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, Đề án này sẽ điều chỉnh tương thích giữa thời gian học lý thuyết với số km phải đi trong thời gian thực hành, tăng từ 405 lên 450 câu hỏi lý thuyết, điều chỉnh nội dung một số câu hỏi, bổ sung giờ học trực quan về tai nạn giao thông, yêu cầu cơ cấu loại xe có hộp số tự động vào đào tạo, rà soát tăng thêm yêu cầu kĩ thuật cho bài thi sát hạch. Đồng thời bổ sung thêm những nội dung học về văn hóa của người lái xe trong lĩnh vực chuyên ngành về giao thông.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, các trung tâm đào tạo sẽ điều chỉnh thực hiện việc lắp đặt thiết bị để giám sát sát hạch thực hành lái xe trên đường, tăng cường công khai minh bạch tất cả các khâu trong quá trình lái xe. GPLX sắp tới đưa vào sử dụng sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ bảo mật cao để khắc phục tình trạng tẩy sửa, làm giả GPLX đang khá phổ biến hiện nay.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành nhằm triển khai công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX có chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả, tránh để xảy ra tình trạng học và thi lấy GPLX mang tính hình thức, đối phó, người điều khiển phương tiện không đủ trình độ gây nên nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc.
Cần nhiều hơn những chế tài cụ thể
Một thực tế còn tồn tại ở nhiều địa phương là, có nhiều cơ sở đào tạo lái xe từ những tỉnh khác đến tuyển sinh mở trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Hiện tượng này cho thấy, việc đào tạo sai địa chỉ nhưng chưa có đủ chế tài xử lý đã gây ra sự chồng chéo trong quản lý cũng như đánh giá đúng và đủ chất lượng đào tạo và cấp phép lái xe.
Ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên bức xúc với chế tài xử lý chưa rõ ràng, tính pháp lý còn hạn chế đối với việc những cơ sở đưa phương tiện đến tuyển sinh trên địa bàn. Ông Vinh cũng kiến nghị, cần phải chú trọng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các Sở GTVT tránh phát sinh hiện tượng đào tạo dù. Ngoài ra, tuyến tập lái của nhiều cơ sở vẫn còn lộn xộn gây rất nhiều khó khăn trong quản lý.
Nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy, ông Phạm Xuân Hữu, Phó Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình lại cho rằng, cần tiết giảm thời gian đào tạo ở nội dung bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, qua đó tăng thời gian cho giảng dạy chuyên sâu vào những vấn đề khác. Ngoài ra, chất lượng giáo viên phải xét theo những tiêu chuẩn cụ thể, giáo viên cần có trình độ nhất định, tương ứng với loại phương tiện giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam hoàn toàn tin tưởng với việc sẽ giám sát được chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX khi khẳng định, sắp tới đây, hệ cơ sở dữ liệu về quản lý GPLX toàn quốc đi vào hoạt động, thông qua đó các cơ quan quản lý có thể giám sát được quá trình quản lý về đào tạo cũng như sát hạch, cấp đổi GPLX.
Ngoài ra, các cơ quan tuần tra, kiểm soát (thanh tra, cảnh sát giao thông) có thể cập nhật những trường hợp bị xử lý thu giữ GPLX vào cơ sở dữ liệu, từ đó nâng cao việc quản lý giáo dục đội ngũ lái xe, phục vụ việc tra cứu cấp độ GPLX, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm trong quản lý đào tạo và cấp phép./.