Liệu có “chín ép”?

Bộ Công Thương quả quyết, đã đủ yếu tố cấu thành thị trường và không thể trì hoãn hơn nữa thực hiện phát điện cạnh tranh.

Những luận bàn quanh chuyện giá bán lẻ điện được quy định trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chưa kịp lắng xuống, Bộ Công Thương lại vừa công bố sẽ chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7 tới - sau 1 năm thí điểm và nửa năm lùi hoãn, cho dù chính Bộ này khẳng định: EVN - đơn vị mua buôn và bán lẻ duy nhất của hệ thống điện Quốc gia hiện đang rất khó khăn về tài chính, việc điều chỉnh giá mua điện từ các nguồn phát  phải “tiến hành từ từ” và “cần phải được chia sẻ cho các đơn vị tham gia vào hoạt động điện lực”. Liệu có hay không một thị trường phát điện cạnh tranh?

Bộ Công Thương quả quyết, đã đủ yếu tố cấu thành thị trường và không thể trì hoãn hơn được nữa. Khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, chắc chắn sẽ giảm đi sự độc quyền của EVN, làm minh bạch hoạt động của ngành điện. Khi đó, giá điện sẽ có lên có xuống, có tăng có giảm theo quy luật của thị trường…

Tuy nhiên, chính Bộ Công thương đã thừa nhận, sau gần 1 năm vận hành thí điểm, hệ thống điện Quốc gia vẫn phải huy động tối đa các nguồn phát mới đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất và đời sống. Tất cả các nhà máy điện đều chào giá cao hơn so với giá đã được ký kết theo hợp đồng trước đó. Trong khi yêu cầu của thị trường quy định là các nhà máy sản xuất điện phải chào giá cạnh tranh, EVN sẽ huy động điện lên hệ thống theo nguyên tắc: đơn vị nào có giá chào thấp hơn sẽ được ưu tiên huy động trước.

Kết quả ban đầu cho thấy, lượng tiền mà EVN phải thanh toán do mua điện sau gần 1 năm vận hành thí điểm thị trường phát điện đã vênh cao hơn gần 1.200 tỷ đồng. Và nếu chiểu theo nguyên tắc “mua cao, bán đắt” thì ắt hẳn, giá bán lẻ điện sẽ không thể ngồi yên - khi mà giá bán buôn điện đã bị đội lên theo thị trường phát điện thí điểm rồi!

Chưa biết việc vận hành thực tế thị trường phát điện từ 1/7 tới sẽ ra sao; chỉ cần nghe Bộ Công thương kêu khó cho EVN, trong điều kiện đang khó khăn về tài chính, vừa bị đội thêm khoản tiền nghìn tỷ chênh lệch giá mua buôn, vừa thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc điều chỉnh tăng thêm 5% giá mua điện cho một số nhà máy điện, đã có không ít quan ngại rằng: khi việc tăng giá mua điện vẫn phải thực hiện theo sự chỉ đạo, xin ý kiến, và bộ chủ quản của ngành điện vẫn còn kêu khó cho doanh nghiệp… thì việc vận hành thị trường phát điện dù đi vào chính thức cũng không có sự thay đổi đáng kể. Sẽ vẫn trong tình trạng chín ép kiểu “nhấn nút” phát lệnh khởi động thị trường của 1 năm về trước.

Theo Đề án vận hành thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công thương xây dựng, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong lộ trình thị trường điện ở nước ta. Nếu suôn sẻ, đến năm 2022, Việt Nam sẽ có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Như vậy là người dân lại phải chờ đợi, hy vọng sau 10 năm nữa may ra mới hết phải chịu cảnh độc quyền “ra giá” của EVN.

Tuy nhiên, việc có hay không thị trường điện, lộ trình dài hay ngắn lại không phụ thuộc vào việc Bộ Công thương “nhấn nút” khởi động, phát lệnh vận hành. Bởi thực tế cho thấy, sau tròn 1 năm “nhấn nút” khởi động thí điểm đã tồn tại và phát sinh nhiều vướng mắc.

Cái vướng hơn cả vẫn là thiếu cả người bán - kẻ mua. Hàng trăm người bán sẽ vẫn chỉ bán được cho một người mua buôn. Hàng chục triệu người mua cũng sẽ vẫn chỉ mua được của một người bán lẻ: Không ai khác ngoài EVN.

Cho dù Bộ Công thương vừa “đẻ” vội thêm 3 Tổng Công ty phát điện (GENCO) ở 3 miền Bắc, Trung, Nam (từ ngày 1/6/2012) những mong tạo được sự cạnh tranh về nguồn phát. Nhưng, một khi những GENCO này vẫn nằm trong sự quản lý, điều hành của EVN thì thị trường phát điện khi được vận hành chính thức vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”, chuyển từ kiểu độc quyền cục bộ sang “phân cấp” độc quyền mà thôi.

Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có thể đến từ thị trường, và do chính thị trường quyết định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên