Lời chào và tấm lưới

Sau những tranh cãi của dư luận, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm dừng sáng kiến quăng lưới bắt “quái xế”

Có thể cảm thông với sự quyết tâm của Công an Thanh Hóa trong việc này khi mà những giải pháp chính tắc tỏ ra không hiệu quả đối với tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, đặc biệt là hành vi đua xe trái phép. Nhưng, khi mà hành động của những người thừa hành pháp luật cho thấy tính mạng và danh dự của người dân không còn được trân trọng, hệ lụy của điều đó còn tai hại hơn việc vi phạm giao thông.

Điều gì khiến Công an Thanh Hóa quyết tâm bảo lưu việc đánh lưới “quái xế” như một sáng kiến, thậm chí còn có ý định phát triển thành một luận chứng khoa học để áp dụng rộng rãi? Công bằng mà nhìn nhận, phương pháp quăng lưới đánh cá thực sự có hiệu quả trong việc cưỡng chế người vi phạm dừng xe.

Hình ảnh cảnh sát giao thông cầm lưới cá như một công cụ hỗ trợ tuy phản cảm, song cũng có thể chấp nhận được nếu so sánh với kết quả đạt được. Thậm chí ngay cả vấn đề an toàn cũng có thể tìm ra giải pháp như dùng súng bắn lưới để đảm bảo độ chính xác.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả những lý lẽ đó, là một vấn đề khác. Người tham gia giao thông, dẫu có vi phạm, nhưng chưa bị tòa án kết tội thì vẫn còn đầy đủ quyền công dân. Họ vẫn có danh dự, nhân phẩm và phải được đối xử như một con người. Vì vậy, bất cứ hành vi nào có thể làm mất danh dự, hạ thấp nhân phẩm con người, cũng không thể được áp dụng.

HÌnh ảnh CSGT Thanh Hóa dùng lưới bắt quái xế

Theo quy định của lực lượng cảnh sát giao thông, khi tiến hành yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông phải có động tác chào người vi phạm trước khi xử lý. Thử hình dung, anh cảnh sát sau khi quăng lưới chụp vào người điều khiển phương tiện, khiến người đó ngã xuống đường, sau đó tiến lại gần, đứng nghiêm, giơ tay chào đúng như hiệu lệnh và tiến hành lập biên bản.

Hình ảnh này chắc chắn sẽ không xảy ra trên thực tế. Người cảnh sát giao thông sẽ không thể nhịn được cười nếu thực hiện động tác đứng nghiêm chào con người mình vừa quăng lưới chụp ngã lăn quay ra đường!

Một sĩ quan cảnh sát, người đại diện pháp luật, khi khoác tấm áo thi hành công vụ phải là một hình mẫu của pháp luật. Anh ta cần phải là một tấm gương về sự tuân thủ luật pháp. Tất nhiên, đó là lý thuyết. Trên thực tế vẫn có những cảnh sát giao thông tiêu cực, nhận tiền mãi lộ, dẫn đường cho xe quá khổ, quá tải đi vào đường cấm chẳng hạn. Song, đó là những tiêu cực mang yếu tố cá nhân. Còn thực hiện một hành vi  theo một chủ trương lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân đã được quy định rõ trong điều 36, Bộ luật Dân sự. Không có bất cứ một lý do nào để phủ nhận những quyền cơ bản đó của người dân khi họ chưa bị coi là tội phạm, nghĩa là họ chưa bị Tòa án tuyên án và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy, việc quăng lưới đánh cá để bắt người vi phạm pháp luật giao thông ngay bước đầu triển khai thực hiện đã gây “sốc” dư luận, nay đã tạm dừng, cần được xem xét một cách nghiêm túc trước hết ở khía cạnh pháp lý và tư duy xã hội.

Vấn đề cần đặt ra là, liệu có thể chấp nhận xu hướng tư duy sẵn sàng bỏ qua các yếu tố pháp lý khác dù là để thực hiện mục đích công việc của mình? Phải chăng, nếu chấp nhận, sẽ diễn ra tình trạng, ai cũng sẽ có thể làm theo ý của mình để đạt được mục đích mà không cần quan tâm đến quyền lợi của người khác?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên