Lương 2,6 tỷ đồng: Ai chẳng muốn làm sếp?
VOV.VN -Những gì đang diễn ra khiến chúng ta phải suy ngẫm về đạo đức của người lãnh đạo.
Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định về pháp luật về lao động, tiền lương tại một số doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP HCM vừa được công bố đã khiến nhiều người giật mình. Giật mình vì ở những đơn vị công ích mà lại có mức lương như mơ. Đặc biệt, trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều người chỉ mong có đủ tiền để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì lại có những kẻ “ăn chẳng hết”.
Trước đó, báo cáo kết quả của Kiểm toán Nhà nước tại một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gửi tới các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trong đó có phần lương "khủng" của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích khiến nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình về việc bất bình đẳng lương thưởng của các doanh nghiệp này so với các cơ quan Nhà nước khác. Thế nhưng, mức trung bình khoảng 70-80 triệu đồng/tháng, nghĩa là khoảng gần 1 tỷ đồng/năm của các vị này cũng không “nhằm nhò” gì khi so với thu nhập của các vị lãnh đạo tại 4 doanh nghiệp công ích ở TP HCM vừa được công bố.
Dường như khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, thế giới không hề đi qua các doanh nghiệp này. Bởi lẽ, các vị lãnh đạo ở Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh) vẫn lĩnh lương hàng tỷ đồng một năm.
Năm 2012, tại Công ty TNHH thoát nước đô thị, lương của giám đốc: 2,6 tỷ đồng/năm, lương Chủ tịch HĐTV lương của kế toán trưởng và Phó giám đốc cũng là tiền tỷ.
Còn tại Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng công cộng TP HCM, mức lương của Giám đốc năm 2012 là 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch HĐTV là 2,4 tỷ đồng/năm.
Người lao động thường xuyên tại các doanh nghiệp này cũng được hưởng “hồng phúc” của các sếp. Nhờ đó, thu nhập của họ khoảng 22,2 triệu đồng/tháng, gấp 4 lần so với mức bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn TP HCM.
Tuy nhiên, lại rất chênh lệch khi nhìn vào con số thu nhập, lương của những người lao động mang tính chất thời vụ ở các công ty này. Lương của họ chỉ đạt mức từ 4,5 đến 9 triệu đồng/tháng. Vì sao lại có chuyện “đỉnh cao, vực sâu” trong thu nhập ở những đơn vị này? Đó là do các công ty này không ký hợp đồng lao động đúng theo luật để "lánh" trách nhiệm về bảo hiểm, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Đáng lẽ, với mồ hôi, công sức họ bỏ ra thì những người lao động này còn phải được hưởng nhiều hơn thế!
Thử hỏi, những khi trời mưa gió, bão bùng, đường phố ngập lụt, cây xanh đổ gãy… ai là người đảm đương nhiệm vụ, trực tiếp dùng đôi bàn tay của mình dọn dẹp từng đống rác, từng cành cây? Lúc đó, các vị lãnh đạo của các đơn vị này may mắn lắm thì xuống “thị sát” còn nếu không thì cũng chỉ điện thoại điều hành từ xa?!
Thực tế là “chúng ta đang thừa thày, thiếu thợ”, nhưng nếu làm “thày” (ý nói về những người ngồi bàn giấy, làm việc trong văn phòng) vừa nhàn, vừa dễ kiếm tiền, lại còn dễ “ăn chặn” thợ thì ai còn muốn làm thợ, làm những công việc xương xẩu, ít tiền?
Thời gian qua, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến vấn đề y đức, đạo đức người thầy, nhưng dường như câu chuyện “đạo đức lãnh đạo” vẫn chưa được đưa ra một cách ráo riết.
Sinh thời, khi nói về phẩm chất của người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 4 nội dung Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. Người khẳng định: lãnh đạo phải “sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không ngại cực khổ, không sợ oai quyền…”.
Nếu soi vào lời dạy của Bác thì không biết phải nói sao về những vị lãnh đạo này? Họ sẵn sàng ăn bớt phúc lợi của những người lao động cực nhọc nhất trong đơn vị để thu lợi cho bản thân.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần nhắc tới việc suy thoái lối sống, đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên. Từ những gì đang diễn ra, càng làm cho chúng ta phải suy ngẫm về vấn đề đạo đức người lãnh đạo (người cầm quyền)./.