Lương không đủ sống sẽ chẳng có giáo viên giỏi

Nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên giỏi thì mục tiêu đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục sẽ không khả thi.  

Những năm 1996-1997, thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ. Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, nếu thí sinh nào muốn vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thì phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Chúng ta rất cần giáo viên giỏi cho mục tiêu đổi mới chất lượng giáo dục

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của thí sinh thi sư phạm trong cả nước đang có xu hướng giảm dần, có trường phải lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và phải tuyển nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu. Không chỉ số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường sư phạm giảm sút mà chất lượng đầu vào cũng đang ở mức báo động “đỏ”.

Câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” dường như đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, sinh viên. Liệu số lượng cũng như chất lượng học sinh đăng ký vào ngành sư phạm sẽ tác động như thế nào đến đội ngũ nguồn giáo viên trong tương lai? Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV online có cuộc phỏng vấn với GS.TS Đinh Quang Báo, cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội).

PV: Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn tới việc trong những năm gần đây, học sinh THPT đăng ký thi vào ngành sư phạm ngày càng giảm?

GS Đinh Quang Báo: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên trước tiên là do nhiều sinh viên sư phạm không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo thống kê của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mỗi năm chỉ có khoảng từ 20-30% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề. Số lượng còn lại là không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành.

GS.TS Đinh Quang Báo

Ngoài ra, mức lương của một người mới vào ngành sư phạm hiện nay chỉ vào khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi làm việc khoảng 2-3 năm, mức lương có thể giao động từ 1,8-2,4 triệu đồng/tháng. Nếu trừ chi phí bảo hiểm xã hội thì số lương còn lại khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mức lương này quá thấp để họ có thể sinh sống, bám trụ với nghề.

Mức lương thấp cộng với tìm kiếm việc làm khó khăn đã ảnh hưởng tới việc thu hút học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm. Điều đáng báo động là khoảng vài năm trước, còn có chút ít học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào sư phạm nhưng trong 2 năm trở lại đây, đến học sinh có học lực trung bình cũng không muốn đăng ký học ngành này.

Khi mà “đầu vào” tuyển sinh không tốt thì việc đào tạo chất lượng giáo viên cũng sẽ chẳng hơn gì. Điều này cũng đồng nghĩa là trong tương lai, chúng ta sẽ thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi cho nền giáo dục nước nhà. Và như vậy, mục tiêu đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục sẽ khó khả thi.

PV: Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm thì tại các vùng, miền khó khăn lại rất cần giáo viên giỏi. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những chính sách khuyến khích và trả lương phụ cấp cho giáo viên dạy ở các vùng này nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thu hút được người giỏi về đây, thưa ông?

GS Đinh Quang Báo: Đúng là Bộ GD-ĐT đã có những chính sách về lương, phụ cấp cho giáo viên giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, sự hỗ trợ vẫn chưa đủ hấp dẫn họ. Bởi vì ngoài lương và phụ cấp ra, nhiều giáo viên lại e ngại về điều kiện sống, địa hình ở một số nơi rất hiểm trở, xa xôi nên họ chưa tự nguyện đến đây.

Ngoài ra, cũng còn một lý do nữa là hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức cử người đi đào tạo theo hình thức “cử tuyển”, sau đó về giảng dạy cho chính địa phương mình nên tình trạng thiếu giáo viên cho những vùng này cũng giảm đi nhiều.

Điều đáng lưu ý ở đây là hiện nay, chúng ta đang không thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm và thiếu giáo viên giỏi giảng dạy ở các địa phương (kể cả những thành phố lớn) cũng như đội ngũ người giỏi trong tương lai.

PV: Theo GS, để cải thiện “đầu vào” và thu hút giáo viên giỏi cho ngành sư phạm, chúng ta cần thực hiện những giải pháp nào?

GS Đinh Quang Báo: Trước tiên, chúng ta cần cải thiện mức lương cho giáo viên để họ có thể đủ sống. Thứ hai là, Bộ GD-ĐT phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp xong là có việc làm.

Quy hoạch này bao gồm: số lượng, cơ cấu giáo viên của các ngành, môn học, vùng miền khác nhau, trình độ giáo viên. Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu và tạo điều kiện việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng học phí để bổ sung vào nguồn lương trả cho giáo viên hàng tháng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS Đinh Quang Báo: Tôi cho rằng, đây là “con dao 2 lưỡi” và không khả thi. Thực tế hiện nay, nhiều học sinh đã quá “thờ ơ” thi vào các trường sư phạm, mà nay tăng thêm học phí thì sẽ càng khiến cho thí sinh ngày càng quay lưng với ngành nghề này. Tăng được lương giáo viên nhưng ít người đăng ký học ngành sư phạm thì có ích gì. Vì vậy, chúng ta phải có chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành nghề này trong tương lai như tôi đã nói ở trên.

PV: GS có thể đánh giá về chất lượng giáo viên Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

GS Đinh Quang Báo: Theo tôi đánh giá, hiện nay, hoạt động giảng dạy của giáo viên Việt Nam còn đơn điệu so với các nước khác. Ví dụ như, nhiều giáo viên còn chạy theo giảng dạy kiến thức trong sách giáo khoa mà chưa chú trọng tới phát triển tư duy, kỹ năng sống cho học sinh.

Nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo viên của Việt Nam chưa được như mong muốn một phần là do nhiều người chưa tập trung vào chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên chưa được tiếp cận với những kỹ năng đào tạo mới nên việc ứng dụng trong giảng dạy còn hạn chế.

Ngoài ra, việc đánh giá thi cử, chất lượng giáo viên hiện nay của Việt Nam còn phiến diện nên mới có thực trạng là chất lượng giáo viên như thế nào thì học sinh phải học như thế đó.

PV: GS có nghĩ là chúng ta nên áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế cho giáo viên Việt Nam?

GS Đinh Quang Báo: Ở nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những quy định cụ thể theo tiêu chuẩn quốc tế cho giáo viên để có thể hòa nhập, có thể giảng dạy ở bất kỳ đâu. Đây cũng là một kỳ vọng mà chúng ta cũng nên nghĩ tới khi mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới quy định về chuẩn giáo viên.

PV: Xin cảm ơn GS!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên