Mặc phản cảm khi biểu diễn, phạt: Ong đốt… bê tông?

Nếu thiếu văn hóa ứng xử với nghệ thuật, mọi hình phạt, dù treo micro, phạt thật nhiều tiền, cấm biểu diễn,… chỉ làm tăng "độ trơ" cho sự tái phạm.

Vậy là nhiều ngày sau sự kiện ca sĩ Thu Minh biểu diễn với trang phục phản cảm tại Đêm nhạc “Ngàn sao hội tụ” (diễn ra vào ngày 20/4 tại Sân khấu ca nhạc Cầu Vồng, số 126 Cách mạng Tháng 8, phường 7, quận 3, TP HCM), Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP HCM đã đưa ra mức phạt 3,5 triệu đồng và không kèm theo hình phạt bổ sung đối với ca sĩ này. Riêng đơn vị tổ chức chương trình, Công ty Thanh Thảo Production, không bị xử phạt mà chỉ bị nhắc nhở.

Nếu chỉ tính chuyện có vi phạm sẽ có phạt, sự việc này đã khép lại. Nhưng đây đó dư luận vẫn sục sôi vì không hài lòng với mức phạt đó. Hay đúng ra là, bên cạnh chưa hài lòng về ứng xử của không ít nghệ sĩ khi lên sân khấu, dư luận còn thất vọng về cách quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ta lâu nay.

Có lỗ hổng quản lý…

Nhìn trong diễn trình vụ việc ca sĩ Thu Minh bị phạt vừa qua sẽ thấy rõ có lỗ hổng trong quản lý tổ chức biểu diễn. Đó là, sau khi báo giới đưa tin phản ánh ca sĩ Thu Minh biểu diễn với trang phục phản cảm, không có mặt trong buổi tổng duyệt trước đêm diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới có công văn gửi Sở VHTTDL TP HCM yêu cầu xử lý.

Ca sĩ Thu Minh tại Đêm nhạc “Ngàn sao hội tụ”

Hổng ở chỗ, nếu ca sĩ Thu Minh lên sân khấu mới bắt đầu mặc trang phục biểu diễn khiến nhà quản lý không kịp trở tay, đã đành. Đằng này, chắc chắn ca sĩ phải chuẩn bị rất “chu đáo” mọi phương diện, trong đó có trang phục, trước khi bước ra sân khấu biểu diễn.

Rõ ràng, nếu hoạt động quản lý, giám sát hoạt động biểu diễn chặt chẽ hơn chắc chắn đã kịp thời “tuýt còi” chấn chỉnh, thậm chí không cho ca sĩ lên sân khấu biểu diễn, nếu thấy trang phục của họ vượt giới hạn “an toàn”. Như thế sẽ không xảy ra chuyện khi ca sĩ trình diễn xong, khán giả bức xúc, báo chí loan tin, bình phẩm rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc yêu cầu kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Hơn nữa, việc chỉ phạt ca sĩ mà không phạt ban tổ chức, theo giải thích của ông Võ Trọng Nam, PGĐ Sở VHTTDL TP HCM: Buổi biểu diễn đã được cấp phép nên trách nhiệm sự việc trên thuộc về ca sĩ. Trang phục của Thu Minh chính là nguyên nhân gây nên sự việc lùm xùm nên chỉ nhắc nhở ban tổ chức và xử phạt ca sĩ theo quy định.

Nếu theo cách giải thích này, dư luận sục sôi, không phục là có lý. Bởi vì, tại sao chúng ta lại để tồn tại một phương thức quản lý kiểu “đánh trống bỏ dùi” như thế. Chẳng lẽ cứ có giấy phép biểu diễn là ban tổ chức ung dung ngồi nhìn ca sĩ “làm mưa làm gió”, khi sự cố thì chỉ phạt ca sĩ, còn ban tổ chức vô can.

Nếu quả các nhà chức trách đã làm đúng quy định luật pháp thì xem ra không ai có lỗi trong sự cố này. Lỗi sẽ thuộc về hệ thống quản lý? Hệ thống này đang thiếu hẳn quy định và nhân sự thực thi giám sát hoạt động tổ chức và biểu diễn sau khi cấp phép. Hoặc nếu không thiếu thì cái đang tồn tại thực ra lại vô dụng? Vậy dư luận có quyền đặt câu hỏi: Sự thiếu hoặc vô dụng này, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Phải có văn hóa ứng xử với nghệ thuật

Chắc chắn những người yêu nghệ thuật chân chính và biết trân trọng giá trị chân chính của nghệ thuật luôn biết có cái gọi là văn hóa ứng xử với nghệ thuật. Thứ văn hóa này phải được toát ra từ thái độ, hành vi của những người tham gia vào môi trường nghệ thuật. Tức là cả người biểu diễn nghệ thuật, người thưởng thức nghệ thuật và người quản lý, tổ chức biểu diễn nghệ thuật đều phải có chung văn hóa này.

Khi lên sân khấu, người nghệ sĩ chân chính sẽ đem tài năng, sự cống hiến của mình để truyền tải nghệ thuật đến người thưởng thức một cách trọn vẹn nhất, văn hóa nhất có thể. Còn người thưởng thức sẽ đón nhận nghệ thuật trong một tư thế của người có văn hóa, biết ứng xử văn hóa với nghệ thuật, và kiên quyết đấu tranh đào thải cái phản văn hóa, phi nghệ thuật.

Cùng với đó, một nhà quản lý, tổ chức biểu diễn nghệ thuật xứng tầm, họ có thể không phải là nghệ sĩ, không biết biểu diễn nghệ thuật, nhưng chắc chắn họ phải biết giá trị đích thực của nghệ thuật và biết thưởng thức nghệ thuật. Có tố chất này, khi hoạt động chức trách của mình, họ sẽ sẵn sàng vượt qua những cám dỗ để kịp thời chấn chỉnh những hành vi phi nghệ thuật, phản văn hóa.

Vậy khi không ít nghệ sĩ cứ mặc phản cảm khi biểu diễn, rồi những mức phạt tính bằng tiền áp dụng lâu nay, đằng sau nó là chuyện gì? Đó là những vụ “tự đánh cắp” giá trị nghệ thuật do chính những người trong cuộc tạo ra.

Bởi vì, cái áo, cái quần “mất an toàn” không có lỗi; mức phạt 3,5 triệu (hoặc nhiều hơn hay ít hơn) không phải chỉ là chuyện đắt hay rẻ. Quan trọng hơn, những thứ này đang trở thành công cụ trung gian cho cá nhân hoặc nhóm người nào đó dùng để tự ngã giá, đánh đổi giữa lợi ích trước mắt của họ đối với cả một môi trường nghệ thuật đích thực.

Nếu ca sĩ hay nhà tổ chức biểu diễn… có nộp phạt vài triệu vì vi phạm quy định biểu diễn nghệ thuật, sẽ là quá rẻ nếu dùng nó để gây “tiếng vang” cho mình. Nhưng đó lại chính là mầm độc hủy diệt sự tồn tại lâu dài giá trị đích thực một đời người nghệ sĩ, và sự hưng thịnh của một nền nghệ thuật.

Đồng thời, khi nhà quản lý phải căn cứ vào các quy định hiện hành để ứng xử với những hành vi phản văn hóa, phi nghệ thuật ấy, quả không sai. Nhưng con người làm ra quy định, vậy tại sao cứ phải để nhiều vụ vi phạm  tái phát, đặc biệt là những vụ việc này thường lặp lại ở một số gương mặt quá quen thuộc trong giới showbiz, thậm chí có người khi tiếp nhận thông tin còn cảm thấy... nhàm?

Rõ ràng vấn đề không chỉ nằm ở chế tài xử lý không đủ mạnh mà hơn cả thuộc về “văn hóa ứng xử với nghệ thuật” của tất cả những ai liên quan. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi và trả lời: Mình ứng xử có văn hóa với nghệ thuật chưa? Bằng không, mọi hình phạt đưa ra, dù treo micro, phạt thật nhiều tiền, cấm biểu diễn, cách chức nhà quản lý hay v.v.. cũng chỉ làm tăng độ trơ cho sự tái phạm. Nói một cách hình ảnh, xử lý như thế chỉ như ong đốt… bê tông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên