Mở cánh cửa cho người khuyết tật

Việc xét đặc cách tuyển thẳng cho các thí sinh khuyết tật thể hiện chính sách nhân đạo, chủ trương khuyến học, khuyến tài của Đảng và Nhà nước ta

Trong những ngày này, báo chí liên tục thông tin về một số trường Đại học trong cả nước đặc cách tuyển thẳng cho các thí sinh là người khuyết tật. Những thông tin này để lại nhiều xúc động cho các em thí sinh khuyết tật, gia đình các em và nhiều người dân Việt Nam.

Thí sinh Lê Đình Thành được bố là ông Lê Đình Mạo cõng đến trường Đại học Vinh
để nhận quyết định đặc cách tuyển thẳng vào khoa Kinh tế

Xin được trích lại một số thông tin trên các trang báo trong 3 ngày qua: “Thí sinh đặc biệt được ưu tiên xét tuyển vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng năm nay là em Trương Thị Thương. Di chứng chất độc da cam đã khiến Thương có “chiều cao khiêm tốn” chỉ 70 cm và nặng chưa được 30kg. 22 tuổi, nhưng trông Thương chỉ như cô học trò nhỏ. Nhận thấy hoàn cảnh của Thương khi em đến làm thủ tục đăng ký dự thi tại điểm trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng), Hội đồng thi đã báo cáo trường hợp của em lên Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Nẵng. Sau khi đến điểm thi xem xét trường hợp của Thương, Đại học Đà Nẵng đã quyết định đặc cách xét tuyển Thương vào ngành công nghệ thông tin - trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Trường đã hướng dẫn thí sinh và gia đình hoàn tất các thủ tục cần thiết để được đặc cách và hoàn tất mọi thủ tục trong sáng ngày 4/7”.

“Chiều 4/7, có thêm 1 thí sinh bị khuyết tật đã được Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Nẵng đặc cách xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Đó là thí sinh Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1993, đăng ký dự thi khối A vào ngành Công nghệ thông tin, Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Phượng bị khuyết tật bẩm sinh, không tự đi lại được như người bình thường”.

“Chiều 3/7, Hội đồng tuyển sinh Đại học Vinh đã quyết định miễn thi Đại học và đặc cách cho thí sinh Lê Đình Thành - một thí sinh bị chất độc da cam, tàn tật được vào học tại trường. Thí sinh Lê Đình Thành (sinh năm 1993, trú tại xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) đăng ký dự thi vào khoa Kế toán, Đại học Vinh”.

Những thông tin như vậy dồn dập được đăng tải trên các trang mạng và các trang báo, khiến không ít người Việt Nam cảm thấy vô cùng xúc động. Vậy là những người khuyết tật - chính xác hơn là các em nhỏ khuyết tật, ham học đã được xã hội quan tâm. Đây là sự quan tâm hết sức cần thiết và quý báu đối với bản thân các em và gia đình.

Những người khuyết tật thường kém tự tin, nhiều người cố tìm cách xa lánh cộng đồng. Nhưng nhiều người trong số họ đã cố gắng vươn lên, tự khẳng định mình và không hề thua kém những người bình thường khác, điển hình là “hiệp sĩ công nghệ thông tin Công Hùng” mà đông đảo người dân Việt Nam đều biết. Nhưng sự cố gắng vươn lên của họ hầu hết đều là tự thân vận động. Để đạt được sự thành công, họ đã vô cùng chật vật. Trong xã hội vẫn còn sự kỳ thị đối với người khuyết tật. Nhà nước đã quy định: mỗi doanh nghiệp phải tiếp nhận từ 2 - 3% lao động là người khuyết tật, nhưng cho đến nay, có được mấy doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định này?

Rất mừng là trong số 3 thí sinh được xét đặc cách vào thẳng Đại học mà chúng tôi vừa trích giới thiệu thì có 2 em đăng ký vào ngành công nghệ thông tin. Rõ ràng là công nghệ thông tin có một sức hấp dẫn rất lớn với các em, trong đó có các em bị khuyết tật vận động, liệt cả 2 chân. Công nghệ thông tin là cánh cửa sổ rộng lớn, giúp các em đến với cả thế giới thông tin bao la, vô cùng vô tận, giúp các em rút ngắn khoảng cách với xã hội và cộng đồng. Công nghệ thông tin giúp các em tự tin hơn, bởi các em bị khuyết tật 2 chân, nhưng các em vẫn còn đôi tay khoẻ mạnh và một khối óc hoàn toàn minh mẫn. Xã hội đã ghi nhận sự cố gắng và đặc biệt là lòng ham học của các em.

Năm nay có lẽ là năm đầu tiên các thí sinh khuyết tật được xét đặc cách tốt nghiệp, nhưng chắc chắn rằng trong những năm học tới, số lượng các em khuyết tật này sẽ ngày càng tăng lên. Điều này cũng thể hiện chính sách nhân đạo, chủ trương khuyến học, khuyến tài của Đảng và Nhà nước ta. Việc làm này cũng nhằm khích lệ sự cố gắng vươn lên của nhiều em nhỏ khuyết tật khác trong tương lai, giúp các em trở thành những người có ích cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên