Môn Lịch sử và Địa lí mới sẽ được giảng dạy ở cấp Tiểu học như thế nào?
VOV.VN-Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy và học ở lớp 4 và lớp 5, được tích hợp trong các chủ đề.
Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những môn học có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy chính là môn Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học.
Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy và học ở lớp 4 và lớp 5, được tích hợp trong các chủ đề (ảnh minh họa: Internet)
Các kiến thức lịch sử và địa lí được tích hợp trong các chủ đề
Một số kiến thức lịch sử và địa lí cấp Tiểu học đã được lồng ghép trong một số chủ đề của môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3.
Đến lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử, địa lí được tổ chức thành một môn học độc lập nhằm giúp học sinh mở rộng và nâng cao hiểu biết về môi trường xung quanh, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh.
Nội dung giáo dục lịch sử, địa lí gồm: những kiến thức ban đầu về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử – văn hoá của các vùng miền, của đất nước và thế giới; những sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những cột mốc đánh dấu sự phát triển của các giai đoạn lịch sử, những thành tựu trong sự nghiệp dựng nước (kinh tế, chính trị, văn hoá,...) và giữ nước của dân tộc. Chương trình môn Lịch sử và Địa lí không tách thành hai phân môn riêng biệt.
Các kiến thức lịch sử và địa lí được tích hợp trong các chủ đề và được mở rộng về không gian địa lí và xã hội (bắt đầu từ địa phương, vùng miền đến đất nước và thế giới). Logic này bảo đảm khi hoàn thành chương trình môn học ở cấp tiểu học, học sinh sẽ có kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lí của địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới để học tiếp môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở. Khi dạy học, giáo viên cần chú ý liên hệ nội dung bài học với những nét đặc thù, tiêu biểu của lịch sử, địa lí ở địa phương.
Nội dung môn Lịch sử và Địa lí tập trung lựa chọn “điểm”. Kiến thức lịch sử được lựa chọn không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại mà phản ánh những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu cho một số vùng miền, một số giai đoạn lịch sử. Đối với địa lí, các vùng được lựa chọn không chỉ dựa trên nét tương đồng về tự nhiên mà còn dựa trên vai trò lịch sử của vùng đất đó; mỗi vùng chỉ lựa chọn giới thiệu một số đặc điểm địa lí tiêu biểu, đặc trưng.
Các mạch nội dung của môn Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học gồm: Làm quen với phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí; Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương);
Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng Bắc Bộ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Nam Bộ; Đất nước và con người Việt Nam; Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam; Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam; Các nước láng giềng; Tìm hiểu thế giới; Chung tay xây dựng thế giới.
Thời gian dành cho mỗi lớp học là 70 tiết/lớp/năm học, dạy trong 35 tuần. Thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung được trình bày trong bảng sau:
Thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung môn Lịch sử và Địa lí ở cấp Tiểu học |
Phát triển năng lực của học sinh gắn với đời sống thực tiễn
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, môn Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học chú trọng tổ chức các hoạt động dạy học để giúp học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá; chú trọng rèn luyện cho học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới; tăng cường phối hợp tự học với học tập, thảo luận theo nhóm, đóng vai, làm dự án nghiên cứu;
Đa dạng hoá các hình thức tổ chức học tập, kết hợp việc học trên lớp với các hoạt động xã hội; tổ chức, hướng dẫn và tạo cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm, tiếp xúc với thực tiễn để tìm kiếm, thu thập thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề. Trong dạy học lịch sử, chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện.
Giáo viên giúp cho học sinh làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, lịch sử khu vực và thế giới thông qua việc kết hợp giữa kiến thức lịch sử cơ bản và các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để học sinh bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian; đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử;…
Đối với Địa lí, dạy học gắn liền với việc khai thác kiến thức từ các nguồn tư liệu lược đồ, bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu; chú trọng dạy học khám phá, quan sát thực địa; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh như: thảo luận, đóng vai, làm dự án nghiên cứu,... Việc làm này nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của học sinh đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, từ đó hình thành năng lực tự học và khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.
Tùy theo điều kiện cụ thể ở địa phương, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học ở ngoài lớp học và ngoài khuôn viên nhà trường như gặp gỡ các cá nhân, tập thể đã trực tiếp tham gia vào các sự kiện lịch sử, các hoạt động xã hội; tham quan các cảnh quan, di tích lịch sử - văn hoá, triển lãm, bảo tàng.
Giáo viên cần có sự thay đổi về phương thức dạy học để học sinh tự nhận định, đánh giá. Việc giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học không không chỉ đề cập các vấn đề của lịch sử đất nước và trên thế giới mà còn liên hệ với đời sống hiện nay./.
Chương trình giáo dục mới triển khai đại trà ở lớp 1 vào năm 2020
Những thay đổi của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới