Năm 2020, sinh viên học nghề nghiệp - ứng dụng

Tham gia chương trình này, việc đánh giá sinh viên được chuyển từ đánh giá bằng kiến thức sang đánh giá bằng năng lực.

Đến năm 2020, các trường đại học Việt Nam sẽ giảm thời lượng giảng dạy môn học cơ bản và tăng thời lượng các môn chuyên ngành. Đây là bước triển khai đại trà sau khi Dự án Giáo dục theo định hướng nghề nghiệp (viết tắt là POHE) được thí điểm tại 8 trường ĐH ở Việt Nam với kết quả lứa sinh viên đầu tiên đã nhận được “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp.

Khung chương trình áp dụng ở những trường được thí điểm đều cắt giảm thời lượng các môn  khoa học cơ bản (toán, lý, hóa…) xuống khoảng 25% so với chương trình cũ. Thậm chí, trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên còn cắt giảm tới 60% thời lượng các môn học này. Thay vào quỹ thời gian đó, sinh viên được học về kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp.

Dựa trên kết quả tự điều tra nhu cầu lao động tại địa phương hoặc toàn quốc (tùy theo khả năng của nhà trường), các trường xây dựng một khung chương trình đào tạo với nhiều kiến thức, môn học mới liên quan đến kỹ năng như giao tiếp, truyền thống, quản lý, làm việc nhóm… Đánh giá sinh viên đã được chuyển từ đánh giá bằng kiến thức sang đánh giá bằng năng lực. Trường  ĐH Nông lâm Thái Nguyên yêu cầu sinh viên phải đáp ứng được 3 năng lực “khuyến nông”, “nghiên cứu” và “quản lý sản xuất nông nghiệp”; trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hướng sinh viên tới 5 kỹ năng “phân tích – thiết kế - trợ giúp – thực hiện – bảo trì”… “Giao tiếp” và “hợp tác” là hai năng lực chung của tất cả các trường.

Kết quả học tập này được tổng hợp từ 4 hình thức đánh giá sinh viên: Kiểm tra kiến thức đầu và cuối kỳ, bài tập lớn viết bằng tay và điểm thực tập tại xưởng. Thời lượng thực hành ở mỗi môn học chiếm tỷ lệ trên 30% thời lượng học, có trường chiếm tới 43%. Cô Phạm Thị Hương, giảng viên trường ĐH Nông nghiệp I cho biết: “Sinh viên tham gia chương trình này không còn để ý quá nhiều đến điểm số nữa mà quan tâm nhiều hơn đến khả năng làm nghề của mình. Tôi có thể khẳng định rằng, sinh viên của tôi đã có thể biết rất rõ là các em có thể làm gì và làm ở vị trí nào ngay từ năm thứ nhất, thứ hai”. Cô Hương cũng cho biết, sinh viên năm thứ ba ngành công nghiệp rau quả cảnh quan, khoa Nông học (ĐH Nông nghiệp) đã có những “đơn đặt hàng” từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất phải thi lại các môn cơ bản chiếm tới 90%. Sinh viên Nguyễn Thị Hồng, năm thứ 3 (ĐH Nông nghiệp I) cho biết: “Theo em đây là tình trạng chung khi sinh viên mới tiếp cận với chương trình học mới này. Vì khi học phổ thông, chúng em quen với tình trạng “đọc – chép“, nên khi được là “trung tâm”, sinh viên nào cũng bỡ ngỡ. Năm thứ hai, thứ ba có khác hơn nhưng điểm số của chúng em vẫn thấp. Nhưng bù lại các em có mục đích rõ ràng, tự tin đánh giá đúng năng lực của mình chứ không phải vì điểm số, bằng cấp.

Trong thời gian tới, tùy từng điều kiện, các trường sẽ nhân rộng mô hình thí điểm này ở các bộ môn để đảm bảo đến năm 2020, khoảng 70 - 80% sinh viên Việt Nam sẽ được theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng như mục tiêu đã đề ra trong Đề án đổi mới giáo dục ĐH giai đoạn 2006 - 2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS