Năm học mới, nỗi lo cũ ở miền núi Quảng Nam
VOV.VN - Bước vào năm học mới, nhiều trường học ở miền núi tỉnh Quảng Nam đứng trước nhiều nỗi lo khi mưa bão đã đến. Nhiều trường học, khu nội trú đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng đối với hàng ngàn học sinh.
Tại trường PTDT bán trú, Tiểu học và THCS Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong các đợt mưa bão cuối năm ngoái, đất đá từ trên núi cao đổ xuống vùi lấp nhiều lớp học. Gần 10 tháng qua, huyện Phước Sơn đã triển khai xây dựng kè chống sạt lở nhưng nỗi lo an toàn cho học sinh trước nguy cơ sạt lở vẫn hiển hiện hàng ngày.
Thầy Trà Văn Nhiều, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú, Tiểu học và THCS Phước Thành cho biết, trước lễ khai giảng năm học mới 2021- 2022 ít ngày, một tảng đá lớn từ trên cao bất ngờ đổ xuống khiến ai nấy cũng hoảng loạn.
Không chỉ riêng xã Phước Thành, tại nhiều điểm trường ở các xã Phước Lộc, Phước Kim, Phước Xuân…, cũng đang đối mặt nguy cơ sạt lở núi. Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc, huyện Phước Sơn có 9 lớp với gần 190 học sinh. Hiện khu nhà ở của 150 học sinh bán trú nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Nhà trường đã tiến hành gia cố, khắc phục tạm thời nhưng không thể đảm bảo an toàn khi thiên tai ngày càng khó lường.
Cô giáo Đinh Thị Tươi cho biết, bước vào năm học mới nhưng nỗi lo cũ về những trận sạt lở kinh hoàng lại hiện về: “Thiên tai xảy ra, trường có 4 em học sinh mất, đa số là các em còn rất nhỏ tuổi, có em mới học mẫu giáo, có em học lớp 1, lớp 2. Nghĩ về điều này chúng tôi thấy rất đau lòng. Chúng tôi luôn bên cạnh động viên để các em vượt qua sự mất mát về người thân".
Tại huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Trường THPT Võ Chí Công, xã A Xan, Tây Giang được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công trình chỉ mới 2 năm đưa vào sử dụng, sau trận sạt lở đất vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời tất cả 277 học sinh về Trường THPT Tây Giang. Gần 10 tháng qua, việc triển khai xây dựng kè chống sạt lở vẫn chưa hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm học mới bắt đầu, hàng trăm em học sinh Cơ Tu đành phải vượt 40 km đường núi xuống trung tâm huyện Tây Giang để theo học con chữ: “Huyện đã có văn bản báo có Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh. Hiện nay vẫn đang quá trình triển khai và năm học này thì các em học sinh vẫn chưa thể học tại Trường THPT Võ Chí Công".
Những ngày đầu năm học mới, thầy cô giáo tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đến từng bản làng, động viên phụ huynh và các em học sinh vượt khó để đến lớp. Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành giáo dục đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo không xảy ra trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng: “Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phước Sơn và Nam Trà My, các địa phương đã tổ chức dạy học bình thường cho học sinh kể cả học sinh vùng sạt lở".
Một năm học mới đặc biệt với bộn bề khó khăn, ngổn ngang nỗi lo cũ. Bây giờ, các thầy cô giáo, phụ huynh và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và gìn giữ tính mạng cho học sinh miền núi trong mùa mưa bão./.