Giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên:

Nan giải bài toán giảng viên

Số lượng HS, SV tăng vọt là một thách thức lớn trong tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng an ninh, đặc biệt trong việc đáp ứng đủ giáo viên và thiết bị, cơ sở vật chất dạy học

Thanh tra việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ

Hội thảo về thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) cho học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức cho thấy: GDQP-AN cho học sinh, sinh viên (HS, SV) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, GDQP-AN trở thành môn học chính khóa cho HS, SV các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học, cao đẳng.

GDQP-AN trở thành môn học chính khóa cho HS, SV các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học, cao đẳng

Trong 10 năm qua, GDQP-AN cho HS, SV đã thu được kết quả tốt; công tác đào tạo, tạo nguồn và phát triển đội ngũ GDQP là những chuyển biến nổi bật trong gần 50 năm (1961-2010) thực hiện nhiệm vụ Huấn luyện quân sự phổ thông, GDQP và GDQP-AN cho HS, SV. Từ chỗ chỉ có hơn 2,5 triệu HS, SV (năm học 2001-2002) tham gia học tập GDQP- AN, đến năm học 2009-2010, con số này đã lên tới gần 4 triệu.

GDQP-AN là môn học có tính chất đặc thù cả về nội dung và hình thức, phương pháp thực hiện. Trong những năm gần đây số lượng HS, SV tăng vọt chính là một thách thức rất lớn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong việc đáp ứng đủ giáo viên và thiết bị, cơ sở vật chất dạy học. Đến nay, 86% trường THPT tổ chức dạy theo phân bổ chương trình (dạy rải), số còn lại kết hợp giữa hình thức dạy tập trung và dạy rải. 282 trường TCCN buộc phải tổ chức dạy rải hay tập trung “cuốn chiếu” theo từng khối, chưa đáp ứng được yêu cầu, chương trình còn bị cắt giảm…

Vì vậy việc kiểm tra, đánh giá cho điểm môn học không thống nhất. Chất lượng giáo dục chưa cao, thiết bị và đội ngũ giáo viên GDQP-AN chưa đáp ứng về quy mô, trình độ chuẩn. Thậm chí, một số trường tư thục, bằng nhiều hình thức đã cắt xén thời lượng chương trình, không coi trọng môn học, thiếu sự đầu tư thiết bị cho môn học. Một bộ phận HS, SV du học nước ngoài và sinh viên học tại các trường có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không được học GDQP-AN.

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến những điểm yếu trên là do công tác thanh tra kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác này còn nhiều hạn chế. Đáng nói là, cho đến nay, khối ĐH, CĐ chưa có một giải pháp khả thi nào để phát triển đội ngũ giảng viên GDQP. Thực trạng hiện nay là sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ giảng viên là sĩ quan biệt phái, trong khi đó chưa có sự chỉ đạo của Nhà nước để các trường tự lo xây dựng, đào tạo nguồn giảng viên GDQP-AN.

Chỉ có 50% trường TCCN có biên chế giáo viên GDQP chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, được tuyển từ nhiều nguồn. Hiện nay, toàn ngành giáo dục có 394 sĩ quan biệt phái. Thế nhưng, sau năm 2015, Bộ Quốc phòng có chủ trương rút dần sĩ quan biệt phái, Nhà nước giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Trước những nhu cầu bức xúc về đội ngũ giáo viên GDQP-AN, đặc biệt là giáo viên GDQP nhiều trường THPT và THCN đã triển khai giải pháp đào tạo giáo viên GDQP-AN ngắn hạn (6 tháng) từ nguồn giáo viên đang giảng dạy các môn học khác. Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo giáo viên GDQP cho các trường THPT, TCCN và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016”. Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những giải pháp khắc phục những điểm yếu nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN đáp ứng về quy mô, đạt chuẩn về trình độ.

Theo đó, từ nay đến năm 2016, tuyển sinh đào tạo hơn 1.500 giáo viên GDQP-AN đối với bậc TCCN, 7.900 giáo viên cho bậc THPT; kiện toàn về tổ chức và bổ sung đủ sĩ quan biệt phái làm nòng cốt giảng dạy quốc phòng - an ninh ở các trường ĐH, đặc biệt cho các trung tâm GDQP-AN sinh viên, đảm nhiệm đủ cho 63 tỉnh, thành; Đồng thời đầu tư kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên